Chiều 3/11, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia, chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, Bản Mồng.
ĐBQH Vũ Tiến Lộc.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình) cho rằng, có rất nhiều điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam trong nhiệm kỳ qua.
Điểm sáng đầu tiên, theo ông Vũ Tiến Lộc, là công cuộc phòng chống tham nhũng bước đầu đã có kết quả rõ nét, tạo được dấu ấn đột phá trong nhiệm kỳ này, góp phần tạo lập một môi trường kinh doanh liêm chính, công bằng với chi phí thấp cho doanh nghiệp và củng cố niềm tin của người dân vào quyết tâm đổi mới hệ thống chính trị của Đảng và Nhà nước.
Đánh giá thêm về thành tựu, theo Chủ tịch VCCI, trong nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ đã phát động thành công 3 đợt sóng cải cách thủ tục hành chính quan trọng, xoá bỏ hàng ngàn giấy phép con; cắt giảm và đơn giản hoá 50%-60% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành và hiện nay đang tiếp tục cắt giảm đơn giản hoá 20% các quy định hành chính liên quan đến kinh doanh.
"Chúng ta đã lên đường cao tốc hội nhập với thế giới qua 2 cuộc hội nhập đỉnh cao: CPTPP và EVFTA, góp phần mở rộng không gian thị trường và thúc đẩy cải cách thể chế theo những chuẩn mực quốc tế cao nhất. Việt Nam đang trở thành điểm đến an toàn cho cộng đồng kinh doanh quốc tế trên hành trình xây dựng các chuỗi cung ứng toàn cầu an toàn và có trách nhiệm hơn", ông Lộc nhấn mạnh.
Theo đại diện đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, trong số 30 doanh nghiệp Nhật Bản xin hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản để chuyển dịch đầu tư thì có tới 15 doanh nghiệp đã chọn Việt Nam.
Về những thành tích phát triển của giai đoạn 2016 -2020, đại biểu cho rằng, mặc dù có việc một số chỉ tiêu không hoàn thành kế hoạch, nhưng những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội chúng ta đã đạt được thời gian qua là rất đáng tự hào.
"Chúng ta đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 6,8%/năm trong suốt 4 năm đầu nhiệm kỳ. Điều rất cần nhấn mạnh ở đây là chúng ta đã đạt được kết quả này mà không cần phải hy sinh các mục tiêu khác như lạm phát, tỷ giá hay nợ công. Ngược lại, chính việc kiềm chế lạm phát dưới 4%, cộng với nỗ lực giữ tỷ giá ổn định và giảm nợ công xuống còn 56,1% GDP vào năm 2019 đã tạo ra các tiền đề quan trọng cho tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, dựa nhiều hơn vào yếu tố năng suất và chất lượng", ông Lộc nói đồng thời nhấn mạnh việc Việt nam lần đầu tiên vượt Singapore, Malaysia trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát toàn thế giới.
Trong khi đó, góp ý kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) lại cho rằng Việt Nam nên chuẩn bị cho lần đổi mới thứ 2 mang tính bước ngoặt.
Theo ông Nghĩa, giai đoạn này sẽ là thời gian quyết định liệu đất nước có cất cánh, có đạt được trình độ cần thiết và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình hay không. "Và nếu như loay hoay không cất cánh được hoặc cất cánh mà không đủ tốc độ, cao độ thì sau 10 năm, Việt Nam sẽ khó duy trì được tăng trưởng", ông Nghĩa nhận định.
"Chúng ta đã có những khát vọng phát triển được lượng hóa với những mục tiêu: Đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Có người gọi là đây là Đổi mới lần 2 để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, gia nhập đội ngũ các nước phát triển. Vì vậy giai đoạn 5 năm tới có ý nghĩa quyết định", ông Nghĩa cho biết.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa.
Đại diện đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Chính phủ cần phải có những giải pháp, kế hoạch hành động đề án khả thi, khoa học trong điều kiện bình thường mới khi những vấn đề dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống diễn biến ngày càng phức tạp. Điều đó đòi hỏi cần đổi mới cách đặt mục tiêu cũng như cơ chế, giải pháp thực hiện.
Viện dẫn đến các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc với những thay đổi mạnh mẽ về sức mua, cách thức tiêu thụ, theo ông Nghĩa điều này đòi hỏi Việt Nam phải thích ứng ra sao. "Hay hướng phát triển du lịch khi tương lai sẽ xuất thêm những dịch bệnh khác. Chúng ta cần làm gì để khai thác được thị trường nội địa 100 triệu dân?", ông đặt câu hỏi.
“Dịch bệnh có thể làm phá sản các kế hoạch tham vọng của những nước phát triển nhưng cũng có thế đưa một nước đang phát triển vượt lên nếu có chiến lược hành động đúng đắn. Trong giai đoạn tới đây Việt Nam phải đón đầu tăng trưởng, phát triển nhanh, bền vững và tự chủ", ông Trương Trọng Nghĩa nói.