Sáng 27/10, Kỳ họp 6, Quốc hội khoá XV tiếp tục thảo luận góp ý cho dự thảo luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, dự thảo chỉ quy định tiêu chuẩn người tham gia về sức khỏe, trong khi đó, lực lượng này như "cánh tay nối dài" của công an cấp xã, hỗ trợ rất nhiều nhiệm vụ, rất quan trọng.
Tuy nhiên, cần quy định rõ hoặc giới hạn độ tuổi. Ông Hoà cho rằng nếu huy động người U70 đi canh giác ban đêm thì không đảm bảo hay U70 tham gia điều tiết giao thông giờ tắc đường là rất phản cảm.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa phát biểu sáng 27/10.
Ông phân tích thêm, ví dụ, bí thư thôn, trưởng thôn, trưởng làng lớn tuổi là hợp lý, cần uy tín, nên không quan trọng độ tuổi. Nhưng với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở mà không quy định tuổi đời là không hợp lý.
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Hậu Giang) cho rằng, người lớn tuổi dù có sức khỏe nhưng sẽ không thể nhanh nhẹn, không đủ sức trấn áp tội phạm, hay những đối tượng mạnh động, khó hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an ninh.
Do đó, luật cần quy định rõ tiêu chuẩn người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. "Điều 13 của dự thảo luật quy định, tiêu chuẩn tham gia là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, nhưng chưa đưa ra giới hạn độ tuổi tối đa tham gia lực lượng này. Ban soạn thảo cần nghiên cứu, quy định về độ tuổi tối đa, vì hiện nay có nhiều tội phạm liều lĩnh, manh động, chống người thi hành công vụ, dễ gây thương tích cho người tham gia thực hiện nhiệm vụ", bà Lam nói.
Đại biểu đoàn Hậu Giang cũng đề nghị cần bổ sung quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vào phạm vi điều chỉnh.
Ngoài ra, đề nghị cần nghiên cứu việc chi trả chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh tại cơ sở bằng mức lương cụ thể, tính hệ số lương, để đáp ứng yêu cầu cuộc sống và thu hút được các đối tượng tham gia tích cực, hiệu quả hơn.
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Hậu Giang) phát biểu sáng 27/10.
Liên quan đến vấn đề này, trong báo cáo tiếp thu, giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dự thảo luật đã quy định một trong những tiêu chuẩn để công dân được tuyển chọn tham gia lực lượng là bảo đảm tiêu chuẩn về sức khỏe theo quy định.
Thực tiễn cho thấy, chế độ, chính sách, điều kiện hoạt động của các lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hiện nay còn khó khăn, hạn chế. Nếu đặt ra tiêu chuẩn về giới hạn độ tuổi tối đa sẽ khó thu hút được người dân tham gia, nhất là những người dù nhiều tuổi nhưng vẫn đủ sức khỏe, có kiến thức, tâm huyết, trách nhiệm trong công tác xã hội.
Đồng thời, từ trước đến nay, pháp luật cũng chưa quy định độ tuổi tối đa trong việc tuyển chọn người tham gia lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố và công an xã bán chuyên trách, nên việc bổ sung quy định độ tuổi tối đa đối với người tham gia lực lượng là không phù hợp với thực tế.
Để tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vừa phải bảo đảm yêu cầu về sức khỏe khi tham gia lực lượng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung vào dự thảo luật quy định về cho thôi tham gia lực lượng trong trường hợp không còn bảo đảm về sức khỏe.
Tại kỳ họp trước, một số đại biểu đề nghị đánh giá kỹ về tổ chức, ngân sách khi thành lập lực lượng, vì số người cần huy động không chỉ dừng lại 300.000 người như tờ trình của Chính phủ. Điều này sẽ làm tăng kinh phí, ngân sách bảo đảm.
Thường vụ Quốc hội cho biết, toàn quốc hiện có 298.700 người đang tham gia lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Các địa phương đang chi trả cho lực lượng này khoảng 3.570 tỷ đồng mỗi năm tính theo mức lương cơ sở mới.
Đến tháng 12/2022, toàn quốc có hơn 84.700 thôn, tổ dân phố. Nếu mỗi thôn, tổ dân phố đều thành lập Tổ bảo vệ an ninh trật tự (tối thiểu 3 người mỗi tổ) thì cả nước có ít nhất 254.100 người tham gia. Dự kiến tổng kinh phí để thực hiện theo quy định của dự thảo Luật là 3.505 tỷ đồng mỗi năm.
Dự thảo cũng xây dựng theo hướng mỗi tổ có thể phụ trách một hoặc một số thôn, tổ dân phố, nên tổng số có thể giảm xuống, kéo kinh phí bảo đảm giảm theo.
Với cách dự tính nêu trên, Thường vụ Quốc hội cho rằng lực lượng này không tăng về số người tham gia và không tăng về tổng kinh phí bảo đảm so với hiện nay. Về lâu dài, tổng số thôn, tổ dân phố tiếp tục giảm do sáp nhập nên các địa phương sẽ có điều kiện bảo đảm chế độ, chính sách tốt hơn cho lực lượng này.