Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

ĐBQH: 'Quá trình xây dựng chương trình luật, pháp lệnh còn cài cắm lợi ích'

(VTC News) -

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nêu rõ, quá trình xây dựng chương trình luật, pháp lệnh còn nhiều hạn chế, trong đó có tình trạng cài cắm lợi ích.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, sáng 23/5, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. 

Phát biểu thảo luận, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) nhìn nhận, công tác lập pháp đạt nhiều kết quả nổi bật nhưng cũng còn không ít hạn chế từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong đó có 3 hạn chế cố hữu.

"Một là kỷ cương luật pháp chưa nghiêm, trách nhiệm của người đứng đầu chưa xác định rõ. Và đặc biệt quá trình xây dựng chương trình luật, pháp lệnh còn cài cắm lợi ích. Vừa rồi, trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra rất rõ", ông Lê Thanh Vân nói.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân.

Hạn chế thứ 2 mà đại biểu Lê Thanh Vân nêu là việc thường xuyên điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thể hiện tư duy luật pháp, tư duy chính sách thiếu nhất quán, tầm nhìn chưa xa.

"Việc điều chỉnh thường xuyên không khác gì người lái ô tô cứ thỉnh thoảng đỗ lại để sửa xe ô tô, như thế không thể đi thông suốt. Đồng thời tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, sự chín muồi trong kiến nghị lập pháp không bảo đảm và không tránh khỏi lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ", vị đại biểu nói.

Một hạn chế nữa được đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau chỉ ra là chất lượng các đạo luật chưa cao, đặc biệt các quy phạm chính trị còn tồn tại khá phổ biến trong các đạo luật. 

"Hệ quả của vấn đề này là phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn. Nghị định không cụ thể, thông tư cũng không rõ ràng. Và cuối cùng người áp dụng pháp luật dễ tuỳ tiện, dễ làm khổ người dân, làm khổ doanh nghiệp", ông Lê Thanh Vân nhìn nhận.

Để khắc phục 3 tình trạng trên, đại biểu Lê Thanh Vân kiến nghị phải sớm khôi phục lại việc xây dựng chương trình pháp luật cho toàn khóa bám vào nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng, hạn chế đến mức tối đa việc điều chỉnh chương trình xây dựng pháp luật hàng năm. 

Vị đại biểu đoàn Cà Mau cũng nhấn mạnh phải khắc phục tình trạng luật khung, luật ống, hạn chế bớt các vi phạm chính trị trong các đạo luật. 

Theo ông Lê Thanh Vân, để làm được điều này cần đổi mới thành phần ban soạn thảo theo hướng nhiều nhà khoa học tham gia, nhiều nhà chuyên môn và đặc biệt đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật và thể hiện sự cầu thị trong phản biện xã hội. 

Ngoài ra, đại biểu Lê Thanh Vân cũng đề nghị Thủ tướng nên phân công một Phó Thủ tướng phụ trách công tác xây dựng pháp luật, xây dựng thể chế để đẩy mạnh hoạt động xây dựng pháp luật. 

"Nghị quyết về xây dựng chương trình luật pháp lệnh cần xác định trách nhiệm của những người khởi xướng chính sách đề xuất xây dựng pháp luật, thể chế được quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, tinh thần đó nên được thể hiện trong dự thảo Nghị quyết lần này", ông Lê Thanh Vân nêu quan điểm.

Anh Văn

Tin mới