Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn vừa có văn bản trả lời những phản ánh của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) tại phiên họp về kinh tế - xã hội hôm 1/6.
Nhập nhèm in ấn sách?
Trong phần chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy băn khoăn việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã in ấn 79% số lượng sách giáo khoa khối lớp 4, 8, 11 theo chương trình giáo dục phổ thông mới trước khi đưa ra đấu thầu.
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, không có chuyện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam in sách trước khi mở thầu.
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.
Người đứng đầu ngành giáo dục cho biết, để đáp ứng đủ sách giáo khoa mới, trong khi chờ các địa phương đăng ký số lượng sách được chọn để mở thầu, Bộ GD&ĐT yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải chuẩn bị đầy đủ vật tư, gồm cả vật tư dự phòng phát sinh phục vụ việc in và cung ứng đầy đủ sách giáo khoa.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam báo cáo, tính đến 30/4, đơn vị triển khai in 86% sản lượng kế hoạch in của sách giáo khoa lớp 5, 9, 12 (theo chương trình giáo dục phổ thông cũ), nhập kho đạt 65% so với kế hoạch in.
Với các sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10, đơn bị triển khai in 81% sản lượng theo kế hoạch, nhập kho đạt 36% so với kế hoạch in.
Riêng với sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 - sẽ triển khai năm đầu tiên vào năm học tới - nhà xuất bản dự kiến in 51,41 triệu bản, trong đó đang triển khai mua sắm dịch vụ in với số lượng 40,44 triệu bản, tương ứng với 79% kế hoạch in dự kiến để lựa chọn nhà cung cấp và dự kiến việc in sách giáo khoa của ba lớp này sẽ hoàn tất trước 30/6/2023.
Như vậy, con số 79% theo báo cáo trên không phải số lượng sách đã in mà là số lượng nằm trong dự trù "mua sắm dịch vụ in" để lựa chọn nhà cung cấp. Về việc này, Bộ GD&ĐT đã có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi bà Nguyễn Thị Kim Thúy từ 19/5.
Minh bạch chọn sách giáo khoa
Liên quan đến chọn sách giáo khoa cho năm học 2023 - 2024, đại biểu Kim Thuý đánh giá: "Tình trạng thiếu minh bạch, khách quan, thiếu tôn trọng ý kiến của giáo viên, nhà trường và học sinh trong chọn sách giáo khoa mới thời gian qua bắt nguồn từ Thông tư 25".
Giáo viên lựa chọn sách giáo khoa.
Bộ trưởng Sơn trả lời, từ năm 2020 việc lựa chọn sách giáo khoa tại các tỉnh, thành trực thuộc trung ương được thực hiện theo Thông tư 25. Trong quá trình thực hiện, Bộ đã ban hành các văn bản hướng dẫn và tổ chức kiểm tra, thanh tra tại một số địa phương về lựa chọn, cung ứng sách giáo khoa triển khai chương trình mới.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, hai nội dung Bộ GD&ĐT lưu ý với các địa phương trong việc chọn sách. Một là thực hiện chọn sách với mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở một khối lớp có một hay một số sách giáo khoa trong danh mục được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt. Bộ GD&ĐT không giới hạn các địa phương chỉ dùng sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Hai là, việc chọn sách giáo khoa đảm bảo phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.
Thông tư 25 cũng nêu rõ hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do UBND cấp tỉnh thành lập. Hội đồng này giúp UBND cấp tỉnh tổ chức lựa chọn sách giáo khoa theo quy định tại thông tư và theo các tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa do UBND cấp tỉnh quy định và đề xuất danh mục sách giáo khoa sử dụng trong cơ sở giáo dục.
Trong ba năm từ 2020 - 2022, Bộ GD&ĐT đã thực hiện 8 cuộc thanh tra ở nhiều địa phương về triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 và việc chọn sách giáo khoa. Một số bất cập, tồn tại trong việc chọn sách ở các địa phương đã được Bộ GD&ĐT nắm bắt và chỉ đạo khắc phục.