Chiều 15/9, tại phiên thảo luận chuyên đề 2 về "Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp" trong Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội - nêu bối cảnh kinh tế - xã hội toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng và phức tạp với nhiều thách thức đòi hỏi nỗ lực không phải chỉ của một cá nhân, một tập thể, một quốc gia đơn lẻ, mà phải là sự đồng nhất trong tư duy, hành động của cả thế giới.
Theo ông Nghĩa, trong bối cảnh đó, một mặt, các chính sách khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tạo ra môi trường khuyến khích kiến tạo những giải pháp mới, công cụ mới cho việc phát triển con người, phát triển kinh tế - xã hội, mặt khác, cũng tạo ra khuôn khổ phù hợp cho sự phát triển cân bằng, bền vững.
ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa. (Ảnh: quochoi.vn)
"Có thể thấy, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay, là động lực mới cho sự tăng trưởng và phát triển một cách bền vững", ông Nghĩa nhìn nhận.
Vị ĐBQH cho biết, tại Việt Nam số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đang tăng dần lên (khoảng 3.000 doanh nghiệp), trong đó, có 3 doanh nghiệp được định giá trên một tỷ USD và 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD.
Việt Nam xếp vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu , giữ vị trí thứ 4 khu vực Đông Nam Á; hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đứng thứ 54 trên thế giới, thứ 10 khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Việt Nam hiện có hơn 1.400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó 196 khu làm việc chung, 69 vườn ươm doanh nghiệp và 28 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm coi Việt Nam là thị trường mục tiêu hoặc có hoạt động tại Việt Nam hiện nay là 108, trong đó có 23 quỹ có pháp nhân Việt Nam.
"Đây là những minh chứng cho một Việt Nam trẻ, năng động với tinh thần và nghị lực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo được cộng đồng quốc tế ghi nhận", ông Nghĩa nói.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nêu rõ, việc phát triển đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam khởi phát mạnh mẽ năm 2016, Quốc hội Việt Nam đã ban hành mới, sửa đổi, bổ sung nhiều luật như: Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đầu tư, Luật Sở hữu trí tuệ...
Cùng đó, Thủ tướng ban hành Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025". Điều đó thể hiện rõ chủ trương, chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Theo ông Nghĩa, hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã và đang được hình thành với hơn 20 tỉnh, thành phố xây dựng đề án, xây dựng kế hoạch thành lập và thành lập các mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
Đã có 60/63 tỉnh thành phố triển khai hoạt động xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp tại địa phương nhằm khai thác những lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như: nông nghiệp, giáo dục, công nghệ thông tin...
"Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, đổi mới, sáng tạo, hướng tới trở thành một trong những trung tâm cung ứng lương thực, thực phẩm chất lượng cao", đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nói.
Trong năm 2022, với nhiều nỗ lực trong ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo, ngành nông nghiệp đã đạt những kết quả ấn tượng: lĩnh vực trồng trọt, về sản xuất lúa, sản lượng đạt trên 42,66 triệu tấn, xuất khẩu gần 7,2 triệu tấn (cao nhất trong những năm gần đây), xuất khẩu gạo đạt 3,49 tỷ USD; xuất khẩu thủy sản đạt kết quả kỷ lục gần 11 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay; lĩnh vực lâm nghiệp, xuất khẩu lâm sản đạt 17 tỷ USD, xuất siêu ước đạt 14,1 tỷ USD.
Những con số này thể hiện tiềm năng dồi dào trong phát triển đổi mới sáng tạo lĩnh vực công nghệ thực phẩm (hay còn gọi là Foodtech), đây là công cụ góp phần tích cực cho tiến trình thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững, giải quyết vấn đề an ninh lương thực.
Với vai trò là những Nghị sĩ trẻ, đại diện cho các cơ quan lập pháp trên toàn thế giới, cùng nhau chung tay để thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở phạm vi toàn cầu, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa đã nêu một số đề xuất.
Cụ thể, với vai trò của Quốc hội tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho việc đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ; hỗ trợ những mô hình đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp (sandbox); đặc biệt là, cần tôn trọng, khuyến khích và chuyển tải những tư duy đồng hành, hỗ trợ các chủ thể của đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong xây dựng và thực thi các chính sách, pháp luật.
Ông Nghĩa đề nghị các thành viên IPU xem xét thiết lập mạng lưới các nghị sĩ trẻ toàn cầu về đổi mới sáng tạo để đồng hành cùng chính phủ các nước hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ tốt hơn cho phát triển bền vững thông qua đổi mới sáng tạo.
Phát triển các sáng kiến, hoạt động, tổ chức có năng lực kết nối, hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp ở phạm vi nhiều quốc gia, khuyến khích, hỗ trợ các dự án, doanh nghiệp thực hành đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Từ đó, tạo môi trường đào tạo và thực hành tốt cho nguồn nhân lực tương lai cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững.
"Trung tâm của đổi mới sáng tạo, của khởi nghiệp phải được xác định là con người, là thế hệ trẻ. Các chính sách cần hướng tới thúc đẩy và khuyến khích các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong thanh niên, sinh viên. Tăng cường đào tạo, hướng nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của ngành", ông Nghĩa đề xuất.