Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

ĐBQH: Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động phi pháp, thậm chí 'buôn người trá hình'

Đại biểu Quốc hội cho rằng nhiều doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở luật pháp để xuất khẩu lao động phi pháp, thậm chí có hình thức “buôn người trá hình”.

Bên lề hành lang Quốc hội ngày 28/10, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) chia sẻ xung quanh nghi vấn có nạn nhân Việt Nam trong số 39 người gặp nạn ở Anh. Từ vấn đề này, ông Phương cho rằng thực trạng "lao động chui" ở nước ngoài đang trở nên phổ biến.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương. (Ảnh: Quochoi.vn) 

Nguyên nhân của vấn đề nhức nhối này theo ông Phương là do quản lý điều hành trong thực hiện luật pháp có những điểm còn sơ hở, thiếu chặt chẽ nên bị một số đối tượng lợi dụng.

Vị đại biểu Quảng Bình nói thêm nhiều người ra nước ngoài theo con đường bất hợp pháp trót lọt lại tạo điều kiện, cung cấp tiền hoặc giới thiệu đường dây cho những người ở nhà.

"Để xử lý điểm này, Đảng, Chính phủ, Nhà nước có nhiều hình thức xử lý về luật. Trong điều chỉnh luật lần này có những sửa đổi để quản lý chặt chẽ hơn, răn đe các đối tượng, cá nhân vi phạm pháp luật trong vấn đề xuất nhập cảnh", ông Phương cho biết. 

Cũng theo vị đại biểu Quảng Bình, để giải quyết các vấn đề trong luật xuất nhập cảnh, yếu tố quan trọng nhất là luật phải quy định một cách nghiêm túc tất cả cơ chế, chính sách đối với thủ tục làm hộ chiếu, làm thủ tục về văn bản pháp luật cho xuất nhập cảnh.

Đại biểu Phương nhấn mạnh phải có biện pháp răn đe các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các cơ quan quản lý Nhà nước không thực hiện đúng luật mà lợi dụng chức năng của mình để tạo điều kiện cho một số đối tượng xuất khẩu vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, vị đại biểu Quảng Bình cho rằng trong luật cần phải đưa các điểm nghiêm cấm một số việc làm vi phạm pháp luật. Đại biểu Phương nhấn mạnh phải đưa ra các điểm tuyên truyền, giáo dục người dân tuân thủ pháp luật, đừng để vì lợi ích cá nhân mà đem lại thiệt hại cho chính bản thân mình, cho gia đình.

Bàn về thực trạng lao động xuất khẩu hiện nay, ông Đặng Ngọc Nghĩa, ĐBQH Thừa Thiên Huế cho rằng khi Việt Nam mở cửa và có nhiều mối quan hệ hợp tác chiến lược với nhiều nước trên thế giới thì cơ hội xuất khẩu lao động càng lớn hơn.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa. 

"Nhưng nhiều doanh nghiệp lợi dụng điều này để thực hiện việc xuất khẩu lao động phi pháp, thậm chí là có những hình thức “buôn người trá hình”. Thực trạng này từng được báo chí, dư luận, công an phát hiện, thông tin và xử lý. Chúng ta đã có những bài học đau lòng về người dân đi xuất khẩu lao động theo các con đường phạm pháp", ông nói. 

Theo vị đại biểu Thừa Thiên Huế, xuất khẩu lao động không phải là bức tranh đẹp như lời giới thiệu chúng ta thường bắt gặp trên mạng xã hội, trong quảng cáo của các công ty đưa người ra nước ngoài lao động. Thực tế khác xa hơn nhiều.

"Chúng ta có nhiều bài học đắt giá về vấn đề này. Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng lao động xuất khẩu lao động phi pháp, đó là câu hỏi lớn đối với các địa phương hiện nay. 

Các cấp chính quyền đặc biệt là cơ quan hữu quan phải tuyên truyền với các địa phương có công dân đi xuất khẩu sang các nước phát triển để tránh xảy ra các sự việc đáng tiếc. Các cơ quan địa phương cũng cần tăng cường quản lý về hoạt động xuất khẩu lao động đối với các doanh nghiệp trên địa bàn", ông Nghĩa chia sẻ.

Về vụ việc 39 người chết trong container tại Anh, vị đại biểu Thừa Thiên Huế chia sẻ dù chưa có kết luận chính thức, nhưng nếu có người Việt Nam thì đây là việc đáng tiếc, đáng để chúng ta lưu ý về công tác xuất khẩu lao động ra nước ngoài, trong việc quản lý để ngăn chặn các loại tội phạm có tính chất xuyên quốc gia. 

Theo ông Nghĩa, điều cần thiết giờ đây là sự vào cuộc tích cực của hai nước để nhanh chóng xác minh thông tin về các nạn nhân. 

Video: Nhiều gia đình báo thân nhân mất tích ở Anh, Bí thư Nghệ An lên tiếng

Song Hy - Bích Đào

Tin mới