Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 10/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Đường bộ, với nhiều ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ lưỡng để tránh chồng chéo với Luật Đường bộ có liên quan với Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Bài học từ tiêu cực của nhà xe Thành Bưởi
Góp ý với dự thảo Luật Đường bộ, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho rằng, hiện nay, nhu cầu sử dụng cơ sở hạ tầng là rất lớn, và Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng đường bộ để thúc đẩy việc huy động tối đa mọi nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng vận tải, phục vụ việc di chuyển của người dân và sự phát triển kinh tế của quốc gia.
Theo đại biểu, trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại hình vận tải mới, cần có sự quản lý của Nhà nước để tránh dẫn đến những tình trạng tiêu cực, như những tiêu cực của nhà xe Thành Bưởi, đã được các cơ quan chức năng phát hiện gần đây.
Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên).
Về khái niệm “kinh doanh vận tải” (khoản 6, Điều 61), đại biểu cho rằng, dự án Luật đang sử dụng hai tiêu chí “điều hành phương tiện, lái xe” và “quyết định giá cước vận tải” để xác định doanh nghiệp nào đang kinh doanh vận tải.
“Tôi nhận thấy, việc sử dụng hai tiêu chí này để phân biệt doanh nghiệp nào đang kinh doanh vận tải hay không là chưa phù hợp, bởi lẽ hai tiêu chí này không thể hiện bản chất của hoạt động kinh doanh vận tải.
Bản chất của vận tải là việc vận chuyển con người và hàng hóa giữa hai hoặc nhiều địa điểm. Do đó, bản chất của kinh doanh vận tải phải là việc một cá nhân, tổ chức vận chuyển hành khách, hàng hóa giữa các địa điểm vì mục đích lợi nhuận, không phải việc tổ chức đó có quyết định giá cước hay điều hành phương tiện, tài xế hay không”, đại biểu Tạ Thị Yên nhấn mạnh.
Do đó, đại biểu đề xuất khoản 6, Điều 61 được sửa đổi như sau: “6. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật, bao gồm kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô và kinh doanh vận tải hàng hoá bằng xe ô tô”.
Về loại hình “kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng” (khoản 11, Điều 61), đại biểu đoàn Điện Biên cho rằng, việc có một loại hình gọi là “kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng” trong các loại hình kinh doanh vận tải hành khách có thể sẽ gây hiểu lầm, vì về cơ bản, mọi loại hình kinh doanh vận tải đều phải theo hợp đồng.
Theo đó, đề nghị loại hình kinh doanh vận tải hành khách này được gọi tên chính xác hơn là “kinh doanh vận tải hành khách bằng phương tiện cho thuê riêng”.
Bên cạnh đó, nhu cầu thuê xe kèm tài xế trên thị trường rất đa dạng. Do vậy, theo đại biểu, việc quy định chỉ xe ô tô khách mới được cung cấp loại hình kinh doanh vận tải này như quy định tại khoản 11, Điều 61 là chưa bao quát hết nhu cầu của xã hội, làm giảm tính bao quát của quy phạm.
“Vì vậy, tôi đề nghị bỏ từ “khách” sau cụm từ “xe ô tô” để cho phép hành khách cũng được thuê xe ô tô dưới 10 chỗ, đảm bảo nhu cầu di chuyển của xã hội được đáp ứng một cách đầy đủ nhất.
Tôi cũng đề xuất, nên sửa quy định xe hợp đồng thành xe cho thuê riêng trong kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng vận tải hành khách (bằng văn bản giấy hoặc điện tử) giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe)”, đại biểu Tạ Thị Yên nói.
Về vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự (Điều 71), nữ đại biểu đoàn Điện Biên cho rằng, Điều 71 quy định chưa rõ ràng giữa các chủ thể trong mô hình cung cấp dịch vụ vận tải hành khách, hàng hoá bằng xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự thông qua phần mềm kết nối với hành khách.
Theo đó, đề xuất Điều 71 cần được rà soát, sửa đổi, và chỉ để bao gồm các trách nhiệm, nghĩa vụ đối với các đối tượng trực tiếp cung cấp dịch vụ vận tải hành khách.
“Tất cả mọi yêu cầu đối với chủ thể cung cấp ứng dụng kết nối vận tải nên được đưa xuống Điều 86 dự thảo Luật về Dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải để có một quy định tập trung đối với loại hình dịch vụ này”, đại biểu Tạ Thị Yên nêu góp ý.
Tầm nhìn quy hoạch xa để không phải “suốt ngày đi sửa đường”
Thảo luận tại tổ, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) nêu góp ý về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Đường bộ. Đại biểu cho rằng, dự án Luật Đường bộ có liên quan với Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, vì vậy đề nghị Chính phủ phải tiếp tục rà soát để bảo đảm không trùng lặp, không bỏ sót những quy định viện dẫn chỉ dẫn giữa hai luật, phải đảm bảo chính xác các điểm, khoản, điều...
Về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Đường bộ, qua nghiên cứu cho thấy, Chính phủ đã thảo luận và thống nhất dự án Luật Đường bộ sửa đổi, có phạm vi điều chỉnh bao gồm các vấn đề về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ, quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông đường bộ, hệ thống báo hiệu đường bộ gắn với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, tổ chức giao thông gắn với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội).
Theo đại biểu Hồng Hà, dù đã tiếp thu ý kiến của các cơ quan, nhất là ý kiến thẩm tra của Bộ Tư pháp, nhưng nội dung về phương tiện giao thông đường bộ, gồm bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dụng... tại dự thảo Luật Đường bộ hiện nay đã được chuyển sang dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Do có sự thay đổi như vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để hoàn thiện dự thảo Luật Đường bộ.
Cụ thể, thứ nhất, về cơ sở dữ liệu đường bộ, dự thảo Luật Đường bộ quy định về cơ sở dữ liệu vận tải đường bộ, trong Điều 61 của dự luật cũng xác định hoạt động vận tải đường bộ là việc tổ chức, cá nhân sử dụng xe thô sơ, xe cơ giới...
Còn dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ cũng quy định về cơ sở dữ liệu của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng... Như vậy, cơ sở dữ liệu vận tải đường bộ có thể gồm các thông tin về cá nhân điều khiển phương tiện giao thông đường bộ để thực hiện vận tải đường bộ. Chính vì vậy, có thể dẫn đến sự trùng lặp giữa 2 luật.
Thứ hai, về vận tải hành khách hàng hóa, dự thảo luật quy định vận tải hành khách bằng ô tô, vận tải hàng hóa bằng ô tô, vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ gắn máy... liên quan đến nội dung này thì dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ cũng quy định việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong các loại hình vận tải.
Thứ ba, về vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe 4 bánh có gắn động cơ thì hiện nay dự thảo Luật Đường bộ không quy định là hoạt động kinh doanh vận tải, trong khi Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định đây là một hoạt động kinh doanh.
Do vậy, đại biểu nhấn mạnh: “Đề nghị phải có sự rà soát hai luật này để bảo đảm thống nhất liên quan đến các nội dung nêu trên, bảo đảm sự thống nhất trong cách thức quy định”.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Hồng Hà, đại biểu Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội) nhắc lại đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phải rà soát lại nhằm đảm bảo thống nhất. Đại biểu cũng nêu ý kiến thêm về Điều 6 trong Luật Đường bộ, với quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ, quy hoạch đường địa phương, đường đô thị 10 năm tầm nhìn 20 - 30 năm.
Theo đại biểu, tầm nhìn quy hoạch làm đường cần xa hơn để tránh tình trạng “suốt ngày đi sửa đường, đi giải toả”.
“Nhiều quốc gia trên thế giới đã có tầm nhìn phát triển hàng trăm năm không thay đổi. Do vậy, chúng ta cũng cần phải tính toán vấn đề này. Đặc biệt, phải tính đến các vấn đề liên quan đến đường ngõ, ngách.
Chúng ta chưa quy định về kiểm soát các đường làng ở nông thôn, những đường khu vực xung quanh các đô thị. Sau này, khu vực xung quanh này cũng phát triển thành đô thị, nhưng do lúc đầu không quản lý thì dẫn đến tình trạng lấn chiếm làm méo mó hết cả đường.
Sau này trở thành đô thị thì gọi là làng trong phố, trong khi đáng ra phải làm phố trong làng hướng tới phát triển văn minh. Tình trạng này khi phát triển thành đô thị thì không sửa được và phải đưa vào quản lý đường nông thôn thế nào để kiểm soát”, đại biểu Phạm Đức Ấn nói.