Ngày 15/9, phát biểu gợi mở trong phiên thảo luận chuyên đề "Chuyển đổi số" trong khuôn khổ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, đại biểu Lưu Bá Mạc, thành viên Nhóm ĐBQH trẻ khóa XV, nhìn nhận mỗi quốc gia, tổ chức hay cá nhân đều phải nỗ lực chuyển đổi, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.
Chuyển đổi số giúp thay đổi cách vận hành nền kinh tế, tăng mạnh năng suất lao động, tạo các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế; giúp các cơ quan Nhà nước hoạt động ngày càng minh bạch, hiệu quả hơn, giúp thu hẹp khoảng cách phát triển.
ĐBQH Lưu Bá Mạc. (Ảnh: quochoi.vn).
Ông Lưu Bá Mạc nhấn mạnh, chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu, rộng, đa chiều trên phạm vi toàn cầu.
Đại biểu Lưu Bá Mạc cho rằng hiện có 5 vấn đề liên quan đến chuyển đổi số đã và đang tác động đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.
Cụ thể, thứ nhất, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra ở các quốc gia với các mức độ khác nhau cho thấy yếu tố nền tảng quan trọng nhất cho quá trình chuyển đổi số đó là phải hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm thúc chuyển đổi số, đảm bảo tính bao trùm và phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm, bao gồm thúc đẩy hạ tầng số, hệ sinh thái số, các giải pháp hiệu quả gắn kết chuyển đổi số với phát triển bền vững và không bỏ lại ai ở phía sau.
Vấn đề thứ hai được ông Mạc nêu là để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, cần xác định việc xây dựng và thúc đẩy phát triển các nền tảng số quốc gia là giải pháp có tính đột phá. Nền tảng số là "hạ tầng mềm" của không gian số, giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số, tạo lập và lưu trữ dữ liệu người dùng; càng có nhiều người sử dụng thì dữ liệu càng nhiều, chi phí càng rẻ, giá trị tạo ra càng lớn.
Thứ ba, sự thành công, phát huy hiệu quả của quá trình chuyển đổi số đòi hỏi phải nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho người dân, đặc biệt cho người dân ở vùng sâu, vùng xa. Trong kỷ nguyên số, các hoạt động cơ bản của xã hội đều được chuyển dịch lên không gian số.
Nhiều quốc gia trên thế giới đang tập trung xây dựng chính sách phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Việc phổ cập, nâng cao nhận thức và đào tạo kỹ năng về công nghệ số, dịch vụ số, ứng dụng số nhằm khai thác tối ưu các tiện ích số phục vụ cho sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Thứ tư, quá trình chuyển đổi số đặt ra các cuộc thảo luận về chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Trong thế giới thực, việc tôn trọng chủ quyền quốc gia là một nguyên tắc cơ bản được ghi nhận trong hệ thống luật pháp quốc tế. Do tính chất xuyên biên giới của không gian mạng, việc đảm bảo chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là một vấn đề mới, phức tạp.
Do đó, việc triển khai đồng bộ các giải pháp sẽ góp phần bảo vệ chủ quyền số của các quốc gia. Việc đảm bảo chủ quyền trên không gian mạng cần có sự hợp tác và phối hợp của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế nhằm đem lại một môi trường mạng an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững.
Toàn cảnh phiên thảo luận. (Ảnh: quochoi.vn).
Theo ĐBQH Lưu Bá Mạc, vấn đề thứ năm là chuyển đổi số trong các hoạt động nghị viện cũng không tách rời xu thế chung của quá trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Quốc hội được coi là nhiệm vụ thường xuyên nhằm hỗ trợ và nâng cao các hoạt động của Quốc hội, xây dựng, phát triển các nền tảng số, công cụ số hỗ trợ toàn diện hoạt động nghị viện, tăng cường, nâng cao nhận thức của các nghị sĩ về lợi ích và tác động của các công nghệ mới đối với mọi mặt của đời sống: kinh tế, chính trị, xã hội.
Đại biểu bày tỏ hy vọng trong khuôn khổ hội nghị này, các vị đại biểu sẽ cùng nhau thảo luận kỹ hơn về 5 vấn đề, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của từng quốc gia để cùng nhau góp phần chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo đem lại hiệu quả, góp phần vào quá trình hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững.