Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội
Hành vi lạm dụng tố cáo và tố cáo sai sự thật hiện diễn ra phức tạp tại các đơn vị, cơ quan Trung ương lẫn địa phương, gây nhiều ảnh hưởng không nhỏ đối với cơ quan kiểm tra, tập thể và cá nhân.
Chia sẻ với VTC News, ông Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, hành vi tố cáo sai sự thật có tính chất bôi nhọ, vu khống phải bị trừng trị nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
- Trước và trong các kỳ đại hội các cấp, vấn đề đơn thư tố cáo, đặc biệt là tố cáo sai sự thật xuất hiện ngày càng tăng và phức tạp, thưa ông?
Đúng vậy. Thông thường trước mỗi kỳ bầu cử của Đảng và Nhà nước, trong đó có việc bầu đại biểu tham dự Đại hội Đảng, bầu cấp ủy các cấp hay bầu Đại biểu Quốc hội, đơn thư tố cáo có chiều hướng gia tăng.
Điều này cũng dễ hiểu, vì nó phản ánh mặt tích cực việc thông qua các kênh giám sát, người dân phát hiện ra những cán bộ Đảng viên không đạt tiêu chuẩn. Từ đó giúp cơ quan có thẩm quyền sàng lọc hoặc ngăn chặn được nguy cơ “chui sâu, leo cao” của các nhân sự không đủ tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, mặt tiêu cực có thể diễn ra ở khía cạnh: Lạm dụng quyền tố cáo và tố cáo sai sự thật. Hành vi này làm ảnh hưởng không nhỏ đến công việc của bộ máy Đảng, Nhà nước, khi phải mất nhiều thời gian để đi xác minh thông tin sai trên. Mặt khác, làm cho quy trình lựa chọn cán bộ, nhân sự có thể bị trì hoãn. Thậm chí làm mất cơ hội của nhân sự mà đáng lẽ ra phải được bố trí vào vị trí xứng đáng.
Theo quy định, đơn thư tố cáo được chuyển đến các cấp có thẩm quyền để xử lý. Đó là các cấp quản lý cán bộ theo phân cấp, có nhiệm vụ xác minh, xử lý đơn thư tố cáo. Những đơn thư vượt cấp thường sẽ được trả về nơi quản lý cán bộ, để xác minh sự thật. Trách nhiệm xác minh sự thật của Nhà nước là cơ quan thanh tra, còn bên Đảng thì có Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
- Đối với những trường hợp tố cáo sai sự thật ở các cấp, đặc biệt là tại các cơ quan Trung ương, biện pháp xử lý được quy định cụ thể ra sao?
Về hành vi tố cáo sai sự thật, theo quy định của cơ quan Đảng và Nhà nước, trước hết cần phải thực hiện việc xác minh kĩ lưỡng, khẳng định có căn cứ rằng những tố cáo đó không đúng, sai sự thật. Nếu có hành vi lạm dụng quyền tố cáo và tố cáo sai sự thật, sẽ bị trừng trị nghiêm minh.
Trong trường hợp có tính chất bôi nhọ, vu khống, pháp luật của Nhà nước và quy định của Đảng đều có biện pháp xử lý những hành vi nêu trên.
Theo đó, trong tổ chức Đảng có các quy định ngăn ngừa việc lạm dụng quyền tố cáo sai sự thật, nhằm vu khống cá nhân, tổ chức gây hậu quả nghiêm trọng. Trong nhiều trường hợp sẽ có các hình thức kỷ luật từ khiển trách đến khai trừ khỏi Đảng.
Tương tự, pháp luật Nhà nước quy định việc lạm dụng quyền tố cáo, nhằm mục đích vu khống, bôi nhọ cá nhân. Tùy mức đọ có thể xem xét xử lý hành chính hoặc truy cứu hình sự.
- Tố cáo sai sự thật, gây hậu quả nghiêm trọng hoàn toàn có thể xem xét khai trừ khỏi Đảng?
Trong một số trường hợp tố cáo bịa đặt, vu khống có thể xem xét hình thức trừ khỏi Đảng và truy cứu tội hình sự. Ở đây cần đánh giá cụ thể về hành vi cấu thành sai phạm.
Ví dụ như người tố cáo bịa đặt hoàn toàn, có tính chất vu khống, lăng mạ, gây ra hậu quả nghiêm trọng, chắc chắn sẽ bị xử lý ở mức cao nhất về mặt Đảng và pháp luật Nhà nước.
- Việc tố cáo sai trong thời gian dài không chỉ gây ảnh hưởng nhiều đến công việc của cơ quan kiểm tra và đến hoạt động chung của cơ quan Trung ương, mà thậm chí còn làm mất uy tín, danh dự cho người bị oan, thưa ông?
Tất nhiên sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động chung của cơ quan kiểm tra. Bởi vì đáng lẽ ra họ có thể tập trung vào việc kiểm tra đơn thư tố cáo đúng sự thật, thì họ phải mất nhiều thời gian, bố trí lực lượng đi xác minh, điều tra nội dung tố cáo sai sự thật.
Từ đó ảnh hưởng đến trật tự công tác của cơ quan kiểm tra Trung ương.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, mặt tiêu cực của đơn thư tố cáo chính là hành vi lợi dụng quyền tố cáo để bịa đặt, xuyên tạc. Hành vi tố cáo sai sự thật không chỉ làm mất thời gian, ảnh hưởng tới hoạt động của cơ quan Đảng và Nhà nước, mà còn gây thiệt hại cho uy tín, danh dự của cá nhân, tập thể.
Thậm chí làm cho người bị tố cáo mất cơ hội được cơ cấu vào cấp ủy theo nhiệm kỳ, bởi vì lúc đó cơ hội chính trị đã trôi qua.
Đó chính là những hậu quả cần phải đánh giá định lượng, để xác định thiệt hại về vật chất, tinh thần. Từ đó làm căn cứ để xử lý hành vi tố cáo sai sự thật, theo quy định từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào hậu quả gây ra.
Nếu tố cáo sai sự thật đó liên quan đến người đứng đầu cơ quan đơn vị, mà ảnh hưởng của họ có thể liên quan đến chỉ số tín nhiệm, với các mối quan hệ bên ngoài. Thiệt hại đó là khó có thể đo đếm được.
- Liệu đây có phải là “thủ thuật bẩn”, “động tác giả” kiến cho người bị tố cáo mất quyền lợi chính trị trước thềm bầu cử?
Yếu tố đó cũng không loại trừ. Bởi vì khi thực hiện hành vi tố cáo sai sự thật, người ta cũng lường trước hậu quả của nó. Và người ta tố cáo trong thời điểm nào, với nội dung gì và gây hậu quả như thế nào đã được chuẩn bị trước, tính oán cụ thể, nhằm gây phương hại nhất thời.
Người ta cũng chấp nhận rủi ro nhất định, nhưng sẽ gây ra thiệt hại nặng nề hơn cho đối phương.
Ví dụ như người A biết là tố cáo sai, nhưng có thể gây khó dễ cho người B, làm mất cơ hội cơ cấu vào cấp ủy, cơ cấu vào bộ máy chính quyền, cho nên vẫn thực hiện hành vi. Và có nhiều khả năng người đi tố cáo đã có sự tính toán, làm sao người bị tố cáo không còn cơ hội chính trị.
Người xưa có câu “được vạ, má sưng”, cho dù khi giải quyết xong tố cáo sai, người B được minh oan, nhưng đã hết cơ hội tham gia nhiệm kỳ.
Do đó, tố cáo sai sự thật không chỉ nhằm bôi nhọ, xuyên tạc hay vu khống, mà có thể là hành vi chống phá, bức hại người khác.
- Những người bị ảnh hưởng bởi tố cáo sai có thể là các nhân sự giỏi, người hiền tài, nên có thể bị gièm pha, chèn ép. Vậy làm sao có thể bảo vệ, giữ uy tín, danh dự cho họ?
Tôi cho rằng, hành vi tố cáo sai có thể khiến những người bị oan bị mất đi cơ hội chính trị, mất đi cơ hội thăng tiến. Nếu đấy là người hiền tài, thì càng thiệt hại cho tập thể, cho lợi ích chung. Đó là điều không công bằng.
Cho nên cần phải xem xét vấn đề này thật thấu đáo, đồng thời đánh giá một cách logic, trật tự đúng quy trình để khi làm rõ trắng đen, khôi phục lại các quyền lợi về chính trị, tinh thần cho người bị oan.
Theo tôi, cần thực hiện việc lựa chọn nhân sự đúng quy trình, đặc biệt có bảo đảm của việc tiến cử. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh về tính “chịu trách nhiệm” trong việc giới thiệu nhân sự.
Theo đó, người có trách nhiệm giới thiệu nhân sự chịu trách nhiệm bảo đảm về phẩm chất, trình độ của người được giới thiệu. Khi có nội dung tố cáo xảy ra, người giới thiệu đó tiếp tục bảo đảm, bảo lưu kết quả giới thiệu của mình trước cơ quan có thẩm quyền.
Trong khi vấn đề chưa làm rõ đúng sai, theo quy định hiện hành sẽ tạm dừng việc đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu. Nhưng khi giải quyết xong rồi, xác minh việc tố cáo là sai sự thật, sẽ hồi tố hiệu lực cho người bị ảnh hưởng đó. Và quy trình đề bạt, giới thiệu vẫn tiếp tục. Tức là chỉ ngừng lại tạm thời, mà không phải chấm dứt hoàn toàn quá trình giới thiệu này.
Ngoài ra cũng có quy định về thời hạn tiếp nhận đơn thư tố cáo, được nêu rõ trong pháp luật về bầu cử, cũng như quy định bầu cử của Đảng.
Bên cạnh đó, khi làm rõ hành vi tố cáo sai sự thật, cố ý bức hại người khác, cần trừng trị kẻ lạm dụng quyền tố cáo, nhằm âm mưu loại bỏ nhân sự được giới thiệu hay vu khống, bôi nhọ uy tín, danh dự của họ.
- Các điều khoản của Luật Tố cáo hiện nay đã đủ để răn đe đối với hành vi tố cáo sai sự thật chưa, thưa ông?
Luật Tố cáo chỉ xác định tình huống pháp lý hay hành vi có rơi vào tình huống pháp lý, mà không quy định hình phạt, cũng như chế tài cụ thể. Tức là đưa ra các giả định để khi giả định đó thành sự thật thì sẽ áp dụng vào khung hình phạt hay biện pháp xử lý của Luật Hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Cho nên, không phải Luật Tố cáo quy định hình thức xử phạt, mà xác định hành vi nào vi phạm quy định việc tố cáo sai sự thật.
Việc xác định hành vi, động cơ và lỗi của người tố cáo sai sự thật là trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền. Theo đó sẽ thẩm định lỗi ở mức độ nào, sau đó xác định các biện pháp, chế tài xử lý hành chính hay hình sự ở mặt pháp luật của Nhà nước.
Đối với Đảng, sẽ xét hình thức kỷ luật, nếu nhẹ thì bị khiển trách, nặng sẽ bị khai trừ khỏi Đảng. Tất cả được căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi sai trái và hậu quả của nó.
- Có nên hay không việc ban hành thêm các chế tài bảo vệ người bị tố cáo sai, nhằm có giải pháp hiệu quả hơn?
Tôi cho rằng, các biện pháp xử lý hình vi tố cáo sai sự thật hiện nay là đủ sức răn đe. Vấn đề là các cơ quan và người có thẩm quyền có xử lý dứt khoát, đúng quy định và đúng pháp luật hay không.
Tất nhiên cơ chế để bảo vệ người bị thiệt hại tinh thần, vật chất do bị tố cáo sai sự thật cũng cần có kế hoạch tổng kết để đưa ra giải pháp hữu hiệu hơn.
Trong kỳ đại hội Đảng lần này, tôi cho rằng nên có một quy định để bảo vệ họ, trong trường hợp họ bị cố ý tố cáo sai sự thật, nhằm mục đích trì hoãn cơ hội tham gia cấp ủy.
Hành vi đấy không chỉ bị lên án, mà còn bị trừng trị nghiêm. Đồng thời phải có biện pháp để bảo vệ người bị thiệt hại vì tố cáo sai. Ví dụ, có thể bảo lưu kết quả giới thiệu. Trong trường hợp xác minh nội dung tố cáo sai sự thật, cần khôi phục lại quyền lợi chính trị, bảo vệ quyền lợi tinh thần, vật chất cho họ.
- Xin cảm ơn ông!