Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

ĐBQH kiến nghị có giải pháp ổn định tín dụng ngân hàng

(VTC News) -

Đại biểu Lê Kim Toàn kiến nghị đẩy mạnh giải pháp ổn định tín dụng ngân hàng, giữ ổn định thị trường tài chính tiền tệ, tránh tác động tiêu cực, gây bất ổn.

Đánh giá cao kết quả đạt được trong 9 tháng cũng như cả năm 2022 ước đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu, song đại biểu Quốc hội cũng nêu ra hàng loạt vấn đề. “Tâm trạng với tư cách đại biểu thì thấy vừa mừng, vừa lo” – ông Lê Kim Toàn (đoàn Bình Định) bày tỏ. Mừng bởi kết quả đạt được sau 9 tháng và dự báo cả năm tăng trưởng ở mức cao, vượt kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó kinh tế vĩ mô ổn định, các trụ cột đều có tăng trưởng. Bộ mặt của đất nước và nhiều địa phương có khởi sắc. Điều đó chứng tỏ nền kinh tế phục hồi nhanh chóng sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Lo khi gần đây hoạt động tín dụng, ngân hàng chưa đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, lãi suất có chiều hướng tăng cao, room tín dụng không đáp ứng được nhu cầu về vốn.

Đại biểu Lê Kim Toàn

“Tình trạng sở hữu chéo, DN sân sau trong các ngân hàng thương mại cổ phần chưa được xử lý dứt điểm, nguy cơ gây bất ổn hoạt động.

Khi có thông tin doanh nhân vi phạm pháp luật, bị khởi tố, giam giữ thì đi kèm là tâm lý lo lắng của xã hội, bởi hệ thống DN đó có quan hệ với một trong các ngân hàng thương mại cổ phần, có hiện tượng đổ xô rút tiền.

Dù ta có chủ trương xử lý tình trạng sở hữu chéo, DN sân sau nhưng điều lo lắng của xã hội, của nhân dân và người gửi tiền không phải không có cơ sở”, ông Toàn nói.

Bên cạnh đó, một số ngành hàng gặp khó khăn, hợp đồng mới có giá trị thấp hơn nhiều so với các năm trước. Ví dụ: Bình Định là trung tâm xuất khẩu đồ gỗ thuộc dạng lớn của cả nước nhưng đàm phán thực hiện năm 2023 chỉ đạt 30-50% giá trị hợp đồng của các năm trước.

Đầu tư công còn nhiều bất cập, thể hiện như giao vốn chậm, điển hình là chương trình mục tiêu quốc gia; thời gian thi công kéo dài, đội vốn. “Một số công trình như báo chí đưa tin là tuyến đường sắt đô thị TPHCM tiếp tục kéo dài, vốn đội nhiều lần. Đại biểu góp ý nhiều nhưng Quốc lộ1 có nhiều đoạn bị nói không đủ chất lượng để gọi là quốc lộ”.

Giá cả vật liệu đầu vào tăng, một số mặt hàng thiết yếu thiếu ổn định. Gần đây xăng dầu khan hiếm, giá tăng cao tác động rất lớn đến đời sống và sản xuất của các thành phần kinh tế...

Từ thực tế trên, đại biểu Lê Kim Toàn kiến nghị đẩy mạnh giải pháp ổn định tín dụng ngân hàng, giữ ổn định thị trường tài chính tiền tệ, tránh tác động tiêu cực, gây bất ổn. Bên canh đó, cần có chính sách hỗ trợ sản xuất, bình ổn giá mặt hàng thiết yếu, nhất là xăng dầu.

“Đường xấu mà thu đúng, thu đủ phí thì người dân bức xúc”

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long) đánh giá thời gian qua Chính phủ triển khai nhiều giải pháp tài khoá, tiền tệ, gói an sinh trên phạm vi cả nước để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đưa nền kinh tế vào quỹ đạo phục hồi và các ngành, lĩnh vực trên đà trăng trưởng; phấn khởi khi 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Tuy vậy, bà cũng nhấn mạnh, thực tiễn cho thấy còn nhiều vấn đề: giá đầu vào tăng khiến người dân và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tăng áp lực tăng lương, tuyển dụng, giữ chân người lao động cũng như trả nợ ngân hàng.

“Khi nghe rục rịch tăng lương thì giá cả bên ngoài tăng trước nên đời sống người dân khó khăn, nhất là với địa phương còn nghèo, vùng sâu, vùng xa”, bà Nguyễn Thị Minh Trang lưu ý và kiến nghị cần giải pháp linh hoạt bình ổn giá, nhất là với các mặt hàng thiếu yếu.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang

Đề cập vấn đề giao thông, nhất là các đoạn đường hư hỏng, xuống cấp ở miền Trung, Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) nói: "Đường xấu mà thu đúng, thu đủ thì người dân bức xúc. Làm sao cho người dân yên tâm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước chứ không phải chỉ vì đồng phí qua trạm”.

Đại biểu này cũng cho rằng cần rà soát toàn bộ BOT trên Quốc lộ 1 để có chủ trương thống nhất, vì theo quy định chất lượng không đảm bảo thì không thu phí.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) cho rằng chúng ta đang quyết tâm đơn giản hoá, số hoá thủ tục hành chính nhưng thực tiễn còn nhiều điểm chưa tích cực, chưa quyết liệt, kết quả đạt được còn khiêm tốn.

Ông dẫn ví dụ kết nối liên thông các dữ liệu dân cư, đất đai và hộ tịch còn kém hiệu quả, nhiều trường hợp còn thủ công, gặp khó khăn và thậm chí gây thiệt hại cho người dân và DN.

“31/12 theo Luật Cư trú thì sổ hộ khẩu giấy không còn giá trị pháp lý, như thế cơ quan chức năng thực hiện thủ tục hành chính mà yêu cầu người dân cung cấp nơi thường trú không dùng bản giấy được thì phải có bản điện tử, cần cơ sở dữ liệu điện tử, nhưng vấn đề này địa phương lúng túng, nhiều nơi chưa thực hiện được”, ông dẫn chứng.

Ngọc Thành (VOV.VN)

Tin mới