Tại buổi thảo luận tại Quốc hội sáng 3/11, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) khẳng định Việt Nam có rất nhiều người trẻ tuổi, thông minh, tài giỏi, đầy khát vọng, đầy lòng trắc ẩn như vợ chồng Công Vinh - Thủy Tiên. Tinh thần tương thân, bác ái là truyền thống của dân tộc ta.
Nhưng theo ông Hiếu, điều quan trọng là phải suy nghĩ tới việc tổ chức tốt hơn để lòng tốt không bị lợi dụng, lãng phí, người thực sự khó khăn sẽ nhận được sự giúp đỡ chí công, lòng yêu thương của con người ngày càng được nhân rộng.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng: "Bão lũ sẽ còn xảy ra hàng năm như quy luật của thiên nhiên nên không thể dùng lòng tốt để khắc phục được hậu quả từ năm này sang năm khác". Vì vậy, ông Hiếu cho rằng cần có chiến lược lâu dài để rà soát hậu quả nặng nề của bão lụt.
"Chiến lược đó cần phải được bàn bạc cẩn thận ở cấp quốc gia, có sự đóng góp của nhiều chuyên gia trên nhiều lĩnh vực, từ vấn đề vĩ mô như thảo luận với các nước thượng nguồn sông đổ vào Việt Nam, hạn chế các nước xây và vận hành các thủy điện tới những việc cấp thiết như cập nhật bản đồ sạt lở khắp các vùng, xây nhà chống lũ, trang thiết bị cứu hộ, hệ thống cảnh báo lũ sớm, hiệu quả, có sẵn những khu tập trung người dân bị nạn khi lũ lụt. Có như vậy, người nghèo, yếu thế, lực lượng chức năng, cơ quan y tế mới tránh được những tổn thất, hy sinh đau xót", ông nói.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu.
Bày tỏ quan điểm không đồng tình với các ý kiến trước đó cho rằng Chính phủ đã chỉ đạo hiệu quả việc che phủ rừng trong thời gian qua.
Theo ông Hiếu, các con số trên thực tế cho thấy tự nhiên đang ngày càng bị xâm hại. Vì vậy, bão lũ, sạt lở kéo dài từ năm này qua năm khác.
"Thảm họa sẽ xảy ra ở bất cứ nơi nào trên đất nước nếu chúng ta không thay đổi. Chúng ta hô hào trồng rừng vẫn để các đại dự án khởi công ngay trong lõi rừng. Thủy điện cóc vẫn duy trì hoạt động, thậm chí còn được cấp giấy phép mới. Nếu vậy sẽ xảy ra những trận lụt lịch sử, cột mốc mới, tang thương hơn nữa", vị đại biểu tỉnh An Giang nhấn mạnh.
Ông Hiếu cho rằng việc cần làm hiện nay là thay đổi cách làm, nhận ra những sai lầm trong quá khứ. Trên thực tế, chúng ta đã có những thay đổi trên văn bản, chỉ đạo, nghị quyết, nhưng thay đổi trong tư duy thì không dễ.
"Đơn cử nhiều người vẫn quan niệm gỗ tự nhiên tốt hơn gỗ nông nghiệp, khoe cái tủ, cái bàn làm từ lim, sến, táu, gỗ này nhập từ nước ngoài không phải do phá rừng trong nước", ông Hiếu cho hay.
Nhắc tới Philippines như quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi các cơn bão ở Đông Nam Á, vị đại biểu cho rằng chúng ta cần học hỏi từ nước bạn khi họ coi trọng việc giữ rừng già, núi cao vì biết đây là thành trì quan trọng nhất để bảo vệ đất nước, con người trước sự giận dữ của thiên nhiên.
Cơn bão số 10 đập vào các dãy núi, rừng già ở Philippines đã được giảm cấp là ví dụ rõ ràng.
Theo vị đại biểu An Giang, bảo vệ môi trường bắt đầu từ tư duy. Tư duy từ giáo dục mà có. Nhưng với cách giáo dục hiện nay, việc hình thành một tư duy mạch lạc, năng động, hướng thiện là hết sức khó khăn.
"Một cháu bé vào lớp 1 với bộ sách chưa qua thử nghiệm rõ ràng, đang học lại thay đổi, bổ sung, sửa chữa hay đính chính. Một nền giáo dục loay hoay tìm triết lý sẽ tạo ra sản phẩm, định hướng không rõ ràng, chỉ biết cóp nhặt, a dua, không nói thật", ông Hiếu nêu quan điểm.