Chiều 26/5, tại phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thanh Phương (đoàn Cần Thơ) cho biết, dự thảo Luật quy định thẩm quyền cấp Giấy phép hành nghề giao Hội đồng Y khoa Quốc gia cấp. Tuy nhiên, ông cho rằng Hội đồng Y khoa Quốc gia làm về công tác chất lượng nên việc yêu cầu cấp giấy phép hành nghề là không hợp lý.
"Chỉ nên giao Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; còn giao các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Sở Y tế thực hiện việc cấp phép hành nghề.
Hiện dự thảo Luật quy định Hội đồng Y khoa Quốc gia làm về công tác chất lượng, giờ yêu cầu cấp giấy phép hành nghề thì không hợp lý. Trong khi việc thu hồi giấy phép hành nghề lại được quy định tại khoản 1 Điều 26 dự thảo Luật, tức là giao cho đơn vị chuyên môn như Bộ Y tế, Sở Y tế thu hồi.
Đơn vị nào cấp thì đơn vị đó có thẩm quyền thu hồi, chứ không có chuyện một đơn vị cấp, một đơn vị khác lại thu hồi", ông Phương nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cần Thơ. (Ảnh: Q.H)
Ngoài ra, vị đại biểu này thống nhất với việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh, bởi sau hơn 11 năm triển khai, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, những vấn đề phát sinh trong thực tiễn khi nhu cầu của người dân về dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nâng cao hơn rất nhiều.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 52.000 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có 306 bệnh viện và hơn 37.000 phòng khám tư nhân, chiếm 72,4%. "Con số này chứng tỏ hệ thống cơ sở y tế tư nhân phát triển rất mạnh. Chính vì vậy, khi sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh cần đặc biệt quan tâm đến phát triển hệ thống y tế tư nhân, để y tế tư nhân tham gia nhiều hơn vào việc chăm sóc sức khoẻ cho người dân", ông Phương nói.
Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Cần Thơ cũng băn khoăn về vấn đề đặt chỉ tiêu số giường bệnh trên mỗi bệnh nhân tại cơ sở y tế: "Tôi cho rằng điều này cần phải thay đổi về tư duy, nhận thức. Thay vì chạy theo số lượng giường bệnh/mỗi bệnh nhân nên khai thác cơ sở y tế theo hướng tăng cường điều trị bệnh tại nhà cho người bệnh. Đây là xu hướng rất tốt và cần thực hiện nhiều hơn trong thời gian tới".
Cũng góp ý về dự thảo Luật này, đại biểu Quốc hội Phan Huỳnh Sơn (đoàn An Giang) cho hay, sự phân cấp, phân quyền về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề, đình chỉ hành nghề và thu hồi giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cho địa phương còn hạn chế.
Do đó, về thẩm quyền cấp và thu hồi giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, ông đề nghị phân cấp cho địa phương thực hiện đối với hành nghề y học cổ truyền, y học dân gian và bác sĩ hành nghề tại nhà.
Đồng thời, đại biểu đoàn An Giang cho rằng, dự thảo chưa thể hiện toàn diện nội dung, vai trò, vị trị của y học cổ truyền và y học dân gian trong hệ thống y học Việt Nam.
"Để y học cổ truyền, y học dân gian phát triển, có chỗ đứng trong hệ thống y học cần đẩy mạnh thể chế hoá, đẩy mạnh xã hội hoá, huy động các nguồn lực phát triển hệ thống y tế, nhất là với y học cổ truyền, y học dân gian", ông Sơn nói.