Video: Hiện trường vụ cháy nhà trọ ở Hà Nội khiến 14 người chết
"Nếu thường xuyên kiểm tra, đánh giá thì sẽ biết để có cảnh báo, còn nếu không thường xuyên kiểm tra thì làm sao cảnh báo được. Nếu có sự cương quyết như thế thì tất cả các nhà trọ, khách sạn, chung cư mini... ở Hà Nội, TP.HCM và khắp cả nước sẽ không dám lơ là công tác này, hạn chế xảy ra những vụ cháy làm chết người thương tâm".
Đó là nhận định của đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) khi nói về vụ cháy thương tâm khiến 14 người tử vong, 3 người bị thương tại nhà trọ trong ngõ 119 Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội.
Theo ông Hòa, nhiều năm gần đây Hà Nội liên tiếp xảy ra những vụ cháy thảm khốc liên quan đến nhà trọ, khách sạn mini, chung cư mini... do không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Đại biểu Hoà nêu quan điểm, để xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư. Tuy nhiên, trách nhiệm của chính quyền địa phương, của đơn vị PCCC cũng rất lớn, đặc biệt trong công tác kiểm tra, đánh giá PCCC và đưa ra cảnh báo để người dân nắm được tình hình và phòng tránh cháy nổ.
Đại biểu Phạm Văn Hoà.
"Trong công tác kiểm tra, đánh giá đối với trường hợp này ra sao? Bây giờ thường xuyên kiểm tra, đánh giá thì sẽ biết để có cảnh báo, còn nếu không thường xuyên cảnh giác thì làm sao cảnh báo được? Nếu đánh giá là không đảm bảo an toàn PCCC thì tước giấy phép hành nghề, không cho hoạt động", ông Hoà nói.
Nêu thực tế rất nhiều vụ cháy xảy ra mà khi kiểm tra đều không có cửa thoát hiểm, thang thoát nạn, hệ thống chữa cháy yếu, hệ thống điện không đảm bảo an toàn..., ông Hoà nhấn mạnh đây là vấn đề cần phải kiểm điểm, phải có nghiên cứu để khắc phục.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết sẽ rất khó khăn để rà soát các tiêu chuẩn PCCC một cách triệt, bởi số lượng chung cư mini, khu nhà trọ ở Thủ đô rất lớn. Nếu xử lý theo hướng tất cả công trình không đảm bao tiêu chuẩn PCCC thì không được hoạt động nữa, sẽ dẫn đến 2 hệ lụy.
Thứ nhất, với chủ đầu tư, họ đang có nguồn thu nhập thì phải dừng.
Thứ hai, nếu dừng, những người lao động có thu nhập thấp đang sinh sống trong khu trọ ấy sẽ đi đâu, về đâu? Con số đó không hề nhỏ. Vì thế, nếu làm theo phương án trên thì tác động xã hội là vô cùng lớn.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga.
"Nhưng chúng ta cũng không thể không làm. Vậy làm như thế nào? Theo tôi, các quy định PCCC đã có, trách nhiệm từng cấp từng ngành cũng đã có, điều quan trọng bây giờ là ra soát, có phương án với từng loại hình chứ không thể áp dụng công thức chung. Ví dụ với loại hình nhà cho thuê trọ chật hẹp, nhiều tầng, ở trong ngõ sâu, chúng ta không thể mở đường cho xe chữa cháy đủ vào được, thay vào đó có thể kiểm tra kết cấu, vì phần lớn nhà bị cháy có nhiều người tử vong là do không có lối thoát hiểm", đại biểu Nga nói.
Đại biểu Nga cho rằng, cơ quan chức năng phải yêu cầu chủ đầu tư đảm bảo được lối thoát hiểm, khi có tai nạn thì người trong nhà nhanh chóng thoát hiểm được.
"Tiếp đó, công tác tập huấn về PCCC và kỹ năng ứng phó khi có sự cố là rất cần thiết. Tôi có cảm giác chúng ta chỉ làm rốt ráo mỗi khi có vụ cháy thương tâm nào đó xảy ra, khi ấy mới tập trung, nhưng sau đó lại bị trôi đi”, đại biểu Nga nói.
Nữ đại biểu cũng nhấn mạnh ý thức PCCC của chủ nhà hay người thuê trọ cũng rất quan trọng. Theo thống kê, nhiều vụ cháy xảy ra do hành vi chủ quan, tắc trách của con người.
Để hạn chế những vụ cháy nhà trọ tương tự, đại biểu Nga cho rằng trong quá trình phát triển nhà ở xã hội (NOXH), chúng ta cần quan tâm hơn phân khúc NOXH cho thuê. Hiện loại hình này đã được nhiều ưu đãi nhưng giá vẫn khá cao so với thu nhập của người lao động có thu nhập trung bình và thấp.
Ví dụ ở Hải Dương, giá NOXH dao động khoảng 11-14triệu/m2, với một căn khoảng 50m2 thì người lao động phải bỏ ra số tiền lớn, vượt khả năng chi trả. Với mức lương hiện nay chỉ đủ đóng, không có tích lũy hoặc tích lũy không đáng kể và không thể bỏ được số tiền 500 - 700 triệu để mua được một chỗ ở.
"Đa phần nguyện vọng của rất đông người lao động ở đô thị mong được sở hữu một căn NOXH nhưng dưới dạng cho thuê trả tiền hàng tháng chứ không phải mà mua đứt luôn. Khi ở những nơi như này, chắc chắn hạ tầng PCCC sẽ đảm bảo hơn", bà Nga nhận định.
Hiện trường vụ cháy. (Ảnh: Viên Minh)
Ngôi nhà tại số 1 ngách 43/98/31 Trung Kính (phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội) bốc cháy dữ dội vào khoảng 0h30 ngày 24/5.
Chỉ trong ít phút, lửa bùng lên dữ dội kèm nhiều tiếng nổ. Hiện trường nhanh chóng được phong toả để phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ.
Khu vực cháy gồm nhà 2 tầng, một tum bố trí sân phơi thoáng và một dãy nhà 3 tầng, mỗi tầng 4 phòng, hành lang hở phía trước. Kết nối giữa hai ngôi nhà là khoảng sân hở khoảng 55 m2 được bố trí để xe máy, xe đạp điện.
Đến 0h52 cùng ngày, các đơn vị tiếp cận hiện trường, triển khai chữa cháy, ngăn cháy lan cùng các mũi trinh sát tìm kiếm, cứu người bị nạn.
Các lực lượng tổ chức phá khóa cổng chính, phá ô cửa sổ tiếp cận vào bên trong ngôi nhà và cứu được 7 người mắc kẹt, trong đó có 3 người bị thương được đưa đi cấp cứu.
Đến 1h26, đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Qua tìm kiếm, các lực lượng phát hiện 14 người tử vong.