Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

ĐBQH: Chuyển đổi đất không qua đấu giá sẽ khiến thất thu ngân sách Nhà nước

(VTC News) -

ĐBQH lo ngại việc chuyển đổi đất không qua đấu giá sẽ giải thoát cho dự án nhưng lợi cho chủ dự án, cho người gom đất, còn Nhà nước sẽ thất thu ngân sách.

Sáng 10/1, các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận việc hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại (sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở).

Phát biểu thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) băn khoăn, việc sửa đổi khoản 1 Điều 75 Luật đầu tư (thực chất là sửa đổi khoản 1 Điều 23 Luật nhà ở) là mở rộng quyền cho người đang sử dụng đất hợp pháp. Việc này giải quyết nhanh được công nhận các chủ đầu tư nhưng hậu quả có thể gây ra thất thoát.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, khi chủ đầu tư được công nhận quyền sử dụng đất và thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì theo Luật đất đai, người sử dụng đất đó chỉ cần trả tiền theo cách lấy giá đất quy định trong bảng giá nhân hệ số K.

“Ví dụ ở Hà Nội hiện nay hệ số K cao nhất là 2,15, bảng giá đất cao nhất là 168, như vậy dù chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở giữa Hồ Gươm (hay tương tự ở TP.HCM là trên đường Nguyễn Huệ) thì cũng chỉ phải trả tiền đất là 312 triệu đồng/m2. Như vậy tạo ra sự thất thoát lớn về nguồn lực của nhà nước”, ông Cường nói.

Đại biểu Cường cho rằng đây là việc hết sức phải cân nhắc. Nếu sửa đổi thì phải tính tiền đất theo giá thị trường.

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu sáng 10/1.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng vấn đề sửa đổi quy định cần xem xét thấu đáo, đánh giá kỹ tác động, nhất là những tiêu cực có thể xảy ra.

Đại biểu Ngô Trung Thành nhấn mạnh, nếu thực hiện đấu giá và đấu thầu thì giá trị địa tô mang lại cho Nhà nước là rất lớn. Cụ thể như ở Thủ Thiêm vừa qua đấu giá 1 ha đất đem lại 24.500 tỉ đồng, trong khi nếu chuyển đổi thông thường và chủ đất nộp tiền chuyển đổi cao nhất khoảng 100 triệu đồng/1m2 thì ngân sách chỉ thu khoảng 1.000 tỉ đồng, chưa bằng số lẻ từ đấu giá.

Đại biểu Ngô Trung Thành phát biểu thảo luận.

“Vì vậy, theo dự thảo trên dẫn đến chênh lệch địa tô cơ bản thuộc về chủ dự án là không hợp lý. Đất đai là sở hữu toàn dân, Nhà nước cho phép chuyển đổi làm cho giá trị đất tăng lên rất lớn thì chênh lệch địa tô cơ bản phải thuộc Nhà nước, thuộc về nhân dân. Sửa theo hướng trên có thể giải thoát cho dự án nhưng lợi cho chủ dự án, cho người gom đất, còn Nhà nước sẽ “chảy máu” nguồn lực đất đai”, ông Thành nói.

Tranh luận với các ý kiến trên, đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) nêu quan điểm, hàng trăm ha đất vướng quy định mà không được chuyển đổi, dự án không thực hiện được thì cũng gây lãng phí.

“Chênh lệch địa tô lớn có hay không do định giá đất không sát. Thất thoát hay không do cơ quan thẩm quyền định giá”, ông Phan Thái Bình nhấn mạnh và đồng ý sửa đổi, bổ sung quy định theo tờ trình của Chính phủ.

Xuân Trường - Quang Tuyền

Tin mới