Thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) nêu quan điểm, những hành vi bạo lực gia đình thường có biểu hiện cụ thể, rất dễ nhận biết, nhưng cũng có những hành vi mà chúng ta không nghĩ đó là bạo lực gia đình nhưng gây khủng hoảng về tâm lý, tinh thần...
“Ví dụ, chồng đi làm về nhà nhưng im lặng suốt, không nói gì cả, hoặc suốt ngày khen hàng xóm xinh đẹp, chu đáo, "giận cá chém thớt", giận dỗi vô cớ...thì cũng là hành vi bạo lực gia đình, làm cho đối tượng bị tác động khủng hoảng về mặt tâm lý. Hành vi này diễn ra khá phổ biến nhưng rất khó nhận biết, nhất là văn hóa người Việt không muốn vạch áo cho người xem lưng, xấu chàng thì hổ thiếp...”, đại biểu Dung nói.
Chính vì vậy, để Luật Phòng chống bạo lực gia đình có hiệu quả thì giải pháp đó là sự chia sẻ, tư vấn để giải tỏa tâm lý. Những người bị khủng hoảng về mặt tâm lý, tinh thần trong gia đình cần phải chia sẻ được với Hội Phụ nữ, bác sĩ tư vấn, Hội Người cao tuổi...
"Chính nạn nhân phải tự chia sẻ, làm sao để cho họ mạnh dạn nói tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mình với những người xung quanh", bà Dung nói.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung.
Còn đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) nhấn mạnh, không chỉ phụ nữ mà trẻ em cũng là đối tượng bị bạo lực gia đình. Ngoài việc đánh đập, đe dọa, hành vi bạo lực còn có phát tán hình ảnh, thông tin riêng tư lên mạng xã hội. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, sức khỏe, học tập của trẻ em.
“Để không bị gián đoạn học tập, nhất là những tổn thương về mặt tâm lý của trẻ em thì những đối tượng này cần được bảo vệ thông tin cá nhân để trẻ không bị xa lánh, chễ giễu…, cần phải bí mật thông tin của trẻ”, đại biểu Vân kiến nghị.
Cũng trong phiên thảo luận tại tổ hôm nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc phòng ngừa mới là cơ bản, chống là kiên quyết, nhưng chúng ta phải làm như thế nào để người ta không dám, không thể có hành vi bạo lực. Muốn như vậy thì Luật phòng chống bạo lực gia đình phải chặt chẽ, chế tài phải nghiêm. Ban hành luật rồi nhưng có tạo ra được sự chuyển biến mạnh mẽ hay không mới là quan trọng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, phải phát huy vai trò của Quốc hội, của người làm luật để có một bộ luật tốt, tạo ra chuyển biến thực sự trong phòng chống bạo lực gia đình.