Sáng 16/9, tiếp tục chương trình làm việc, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tổ chức phiên thảo luận chuyên đề 3 "Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững".
Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho biết, tại Tuyên ngôn thế giới về đa dạng văn hóa 2001, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) khẳng định đa dạng văn hóa là tài sản chung quý giá của nhân loại, cần thiết đối với nhân loại như đa dạng sinh học đối với tự nhiên, là khởi nguồn cho giao lưu, đổi mới và sáng tạo.
Ông Bùi Hoài Sơn. (Ảnh: quochoi.vn).
Nhận định trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc như hiện nay, vai trò của đa dạng văn hóa ngày càng quan trọng, ông Bùi Hoài Sơn khẳng định, việc chấp nhận, tôn trọng và phát huy sự đa dạng văn hóa giúp tăng cường sự đối thoại giữa các nền văn minh, thúc đẩy sự hiểu biết và gia tăng sự tôn trọng lẫn nhau giữa các quốc gia, các dân tộc.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu rõ, Việt Nam là đất nước có bề dày lịch sử và văn hóa truyền thống hàng ngàn năm.
Văn hóa Việt Nam có sự thống nhất trong đa dạng, là sự hòa quyện, kết tinh giữa bản sắc văn hóa 54 dân tộc anh em. Cộng đồng 54 dân tộc trên đất nước Việt Nam đều chung một ý thức quốc gia - dân tộc, đều chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
"Nhà nước Việt Nam đã, đang thực thi và không ngừng hoàn thiện thể chế, chính sách theo phương châm xuyên suốt lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững", ông Sơn nhấn mạnh.
ĐBQH Bùi Hoài Sơn cho biết, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội Việt Nam, sự nghiệp phát triển văn hóa đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp vào sự phồn vinh, thịnh vượng của đất nước, được cộng đồng các dân tộc Việt Nam và bạn bè, tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Theo đó, đến nay Việt Nam có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 03 di sản tư liệu thế giới, 6 di sản tư liệu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, 3 công viên địa chất toàn cầu, 1 thành phố sáng tạo (trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO)...
"Ý thức sâu sắc được trách nhiệm của mình, Việt Nam đã chủ động tham gia, thể hiện vai trò tích cực, trách nhiệm tại các cơ chế đa phương, góp phần phát huy, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động bảo vệ và phát huy sự đa dạng văn hóa trên quy mô khu vực và quốc tế", ông Bùi Hoài Sơn nói.
Cũng theo vị đại biểu, Việt Nam được cộng đồng quốc tế tín nhiệm, hai lần được bầu vào Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa các nhiệm kỳ 2011-2015 và 2021-2025.
Trên cơ sở Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc, Việt Nam đã chủ động xây dựng kế hoạch phát triển Bộ Chỉ số văn hóa quốc gia để đo lường, đánh giá đóng góp của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đa dạng văn hóa được xem là nguồn lực cho sự phát triển của thế giới hiện tại cũng như trong tương lai. Tuy nhiên, theo ông Sơn, đa dạng văn hóa ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước đang gặp nhiều thách thức, đặc biệt là những thách thức phi truyền thống của một kỷ nguyên số và toàn cầu hóa, ảnh hưởng không nhỏ đến tính bền vững của di sản văn hóa, văn hóa các dân tộc.
Trước đó, phát biểu dẫn đề, TS Maurizio Bona - cựu cố vấn của Tổng Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu Vật lý Hạt nhân Châu Âu (CERN) - chia sẻ về Hiến chương khoa học, công nghệ, đạo đức, theo đó khoa học, công nghệ tạo ra sự thay đổi lớn đối với toàn cầu.
Việc dự đoán sự phát triển của khoa học, công nghệ rất khó, do vậy việc giảm thiểu tác động tiêu cực từ sự phát triển này cần được đặt ra vấn đề đạo đức trong lĩnh vực này.
Ông Maurizio Bona. (Ảnh: quochoi.vn).
Ông Maurizio Bona cho rằng các nghị viện cần nhìn nhận vai trò của đạo đức trong quá trình phát triển kinh tế xã hội. CERN đang xây dựng một Hiến chương về đạo đức trong khoa học, công nghệ, dựa trên tinh thần bảo đảm, tôn trọng quyền con người.
"Đây cũng là tài liệu tham khảo để các nghị viện xây dựng các quy định về đạo đức trong khoa học công nghệ. Hiến chương quy định các hoạt động nghiên cứu không được phép vượt qua các tiêu chuẩn đạo đức đã được nêu ra, đây chính là giới hạn về đạo đức trong lĩnh vực nghiên cứu", ông nói và khẳng định đây không phải là văn bản tồn tại mãi mãi mà sẽ được rà soát, điều chỉnh định kỳ phù hợp với các giai đoạn phát triển trên thế giới.
Theo vị chuyên gia, các nhà nghiên cứu đã làm việc với các nghị viện, nghị sĩ, cộng đồng nghiên cứu khoa học để cập nhật Hiến chương, quy định các tiêu chuẩn đạo đức trong nghiên cứu khoa học.
Ông cho biết thêm bản dự thảo của Hiến chương sẽ được gửi cho các nghị viện tham khảo và hoàn thiện, dự kiến thông qua tại Đại hội đồng IPU năm 2024.
Hiến chương giúp các nghị viện xác định cơ hội và thách thức, định hình tương lai dài hạn của thế giới, với sự phát triển khoa học công nghệ đang đóng vai trò tích cực hơn trong xã hội mà không lo ngại những rủi ro tiềm tàng.