Quyết định dừng dạy học trực tuyến đối với học sinh khối lớp 1,2 của Sở GD&ĐT Hải Phòng nhận được nhiều sự đồng thuận, ủng hộ. Theo lãnh đạo sở này, thực tế việc dạy học trực tuyến trong thời gian dừng đến trường do dịch COVID-19 phát sinh nhiều bất cập với khối tiểu học. Các em học sinh lớp 1 và 2 còn quá nhỏ để tự sử dụng thành thạo máy tính cũng như các thao tác kỹ thuật trong quá trình học với thầy cô giáo.
Trong khi đó, bố mẹ các em do bận đi làm hoặc những công việc khác nên không thể thường xuyên ở nhà để cùng học với con. Ngoài ra, việc chuyển thời gian dạy vào buổi tối muộn cũng không hợp, bởi một số phụ huynh khác không thể đáp ứng.
Ủng hộ cách làm của Sở GD&ĐT Hải Phòng, một hiệu trưởng tại Hà Nội cho biết, sau hơn 1 năm triển khai hình thức học trực tuyến, nhiều giáo viên vẫn chưa thích ứng được cách giảng dạy mới này, chủ yếu vẫn theo hình thức cô đọc, trò chép, rất thụ động. Từ đó gây ra sự nhàm chán cho học sinh.
Để giảng dạy trực tuyến hiệu quả các trường phải có thời gian chuẩn bị ít nhất 3 năm về hệ thống đường truyền, cơ sở học liệu, tập huấn cho giáo viên, phần mềm…Nhưng hiện nay việc tổ chức dạy, học trực tuyến chủ yếu dựa trên kinh nghiệm cá nhân theo kiểu mạnh ai người nấy làm.
Vị hiệu trưởng đề xuất, đối với học sinh mầm non và tiểu học lớp 1, lớp 2 không nên cho các em học trực tuyến. Trong trường hợp trẻ nghỉ dài ngày, giáo viên có thể gửi hệ thống bài tập, lý thuyết qua các phần mềm như zalo, email. Thầy cô chủ động quay video bài tập và gửi cho học sinh ôn tập tại nhà. Một giải pháp khác là dạy học qua truyền hình để các em học sinh vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận.
Sau một năm làm quen với hình thức học trực tuyến, giáo viên vẫn chủ yếu giảng dạy qua đọc, chép.
Cô giáo Lê Thu Phương, giáo viên một trường tiểu học ở Hà Nội thừa nhận nhiều đồng nghiệp vẫn cảm thấy lúng túng khi dạy trực tuyến. Đối với bài giảng chuyên môn, phần lớn do giáo viên tự biên soạn hoặc chia sẻ cho nhau dẫn đến tình trạng mạnh ai người nấy dạy, không có tính đồng bộ như dạy trên lớp. Một số môn có xu hướng tích hợp đòi hỏi phải có sự thống nhất giữa giáo viên các tổ, bộ môn nhưng khi dạy trực tuyến sẽ gặp tình trạng đó.
Phương pháp dạy trực tuyến hiện nay chủ yếu là cô đọc, trò chép. Một tiết học chỉ kéo dài 45 phút nhưng thường gián đoạn vài lần nên hiệu quả không cao. Vì thế cô Phương cũng ủng hộ việc bỏ hình thức dạy trực tuyến đối với trẻ mầm non, lớp 1, lớp 2.
“Trẻ trong độ tuổi mầm non, lớp 1, lớp 2 không thể dạy bằng hình thức đọc chép mà bắt buộc phải có sự tương tác. Do vậy với đối tượng này việc học trực tuyến gần như không đem lại hiệu quả nào”, cô Phương nói.
PGS. Trần Thành Nam, trường Đại học Giáo dục đánh giá chủ trương học trực tuyến trong điều kiện học sinh ngừng đến trường do dịch bệnh là đúng. Tuy nhiên khi triển khai cần căn cứ theo đặc điểm tâm sinh lý của từng nhóm học sinh.
Sau một năm chuẩn bị, làm quen với dạy trực tuyến, nhiều giáo viên vẫn chỉ dừng lại ở việc chuyển bài dạy trực tiếp lên mạng hoặc cô đọc, trò chép. Có thể thấy chúng ta đang thiếu những hoạt động tương tác với trẻ do không có giáo án, chương trình học phù hợp.
Còn rất nhiều việc phải làm để nắm bắt tốt hình thức dạy trực tuyến.
Ở độ tuổi mẫu giáo, tiểu học việc học trực tuyến là yêu cầu khó với các em do đòi hỏi phải xử lý thông tin liên tục. Trong khi trẻ tuổi này khó có khả năng tập trung cao độ để vừa nghe giảng, vừa thao tác trên thiết bị.
Thầy Nam đề xuất, việc học trực tuyến là giải pháp tối ưu nhất khi học sinh nghỉ dài ngày, nhưng thay vì chú trọng đến nội dung, giáo viên nên ưu tiên việc truyền cảm hứng học tập cho trẻ bằng việc sáng tạo những trò chơi hoặc video có nội dung thú vị. Trong tương lai cần có nguồn học liệu số, kho bài giảng video chia sẻ cho tất cả giáo viên, học sinh trên cả nước.
PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đánh giá việc tổ chức dạy trực tuyến tại các trường chỉ mang tính chất định nghĩa, chung chung chứ không chỉ đạo cụ thể địa phương phải thực hiện thế nào. Hình thức học trực tuyến được nhiều nơi áp dụng khi học sinh nghỉ dịch. Nhưng sau một năm triển khai nhiều địa phương vẫn lúng túng trong việc hướng dẫn các trường tổ chức dạy, học trực tuyến.
Nguyên nhân theo ông, Bộ GD&ĐT chưa có một chương trình tổng thể mặc dù đã công nhận kết quả học trực tuyến. Để có thể dạy trực tuyến hiệu quả điều đầu tiên chúng ta phải có chương trình học thống nhất cho 63 tỉnh/thành phố. Thứ hai phải bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có thể tiếp cận hình thức học này. Thứ ba, phải có một phần mềm tối ưu cho việc học và giảng dạy. Nếu không làm được những điều này thì việc áp dụng dạy trực tuyến chỉ giải quyết bài toán tâm lý xã hội, không mang lại hiệu quả cao.