Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố xét xử các vụ Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh

(VTC News) -

BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố xét xử các vụ án tại Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh...

Chiều 16/8, Ban Nội chính Trung ương công bố báo cáo kết quả phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo - chủ trì.

Bên cạnh kết quả đạt được trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, thông báo cũng nêu rõ phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023 và thời gian tới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực vào sáng 16/8.

Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ theo Chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo và các kết luận của Tổng Bí thư - Trưởng Ban Chỉ đạo, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

"Phấn đấu từ nay đến hết năm 2023 kết thúc điều tra 7 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 9 vụ án, xét xử sơ thẩm 11 vụ án, xét xử phúc thẩm 7 vụ án, kết thúc xác minh, giải quyết 11 vụ việc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Nhất là tập trung đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, truy tố xét xử các vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Sở Y tế Quảng Ninh và Công ty AIC, giai đoạn II vụ án xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi…", báo cáo nêu.

Ban Chỉ đạo yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế để phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Trọng tâm là sớm hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; về bảo vệ người tố cáo, cung cấp thông tin về tham nhũng, tiêu cực.

Cùng đó, các cơ quan, đơn vị khẩn trương khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật đã được chỉ ra qua rà soát và các vấn đề cụ thể mà các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã kiến nghị, đề xuất.

"Hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai, Luật Đấu giá tài sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản và các dự án luật khác liên quan đến phòng chống tham nhũng, tiêu cực; khẩn trương ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2030", yêu cầu từ Ban Chỉ đạo.

Theo Ban Chỉ đạo, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và khẩn trương hoàn thành thanh tra, giám sát các chuyên đề theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Tập trung kiểm tra, xử lý dứt điểm các sai phạm của các tổ chức đảng và đảng viên liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Ban chỉ đạo cũng yêu cầu tiếp tục rà soát, xem xét cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị; Tập trung chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.    

Ban Chỉ đạo cũng nhấn mạnh việc tiếp tục chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh; kiên quyết khắc phục tệ "tham nhũng vặt", tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở.     

Cũng tại phiên họp này, Ban Chỉ đạo thống nhất kết thúc chỉ đạo xử lý đối với 10 vụ án, 1 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo do đã kết thúc việc giải quyết theo quy định của pháp luật.

Theo thông báo của Ban Chỉ đạo, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực và ở địa phương, cơ sở được chỉ đạo đẩy mạnh, bước đầu khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".

Trong 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương đã khởi tố 419 vụ án với 1.324 bị can về tội tham nhũng (tăng 252 vụ án với 989 bị can so với cùng kỳ năm 2022); nhiều địa phương đã khởi tố cả cán bộ nguyên là Bí thư Tỉnh uỷ, nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc, Phó Giám đốc Sở, Chủ tịch UBND cấp huyện.

Các cơ quan chức năng đã chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời các cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan chống tham nhũng, tiêu cực. Trong 6 tháng đầu năm 2023, đã phát hiện, xử lý trên 120 trường hợp cán bộ, đảng viên trong các cơ quan này có sai phạm do tham nhũng, tiêu cực, trong đó xử lý hình sự hơn 60 trường hợp.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã xử lý kỷ luật hơn 590 cán bộ trong các cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó có hơn 200 trường hợp bị xử lý hình sự.

Anh Văn

Tin mới