Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đẩy mạnh tư vấn ATTP, giám sát công tác khắc phục hậu quả sau lũ tại Quảng Trị

(VTC News) -

Tổ công tác số 3, Bộ Y tế trực tiếp đến Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ, Trạm y tế xã Triệu Thượng để giám sát, đánh giá và hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả sau lũ.

Đây là buổi làm việc nằm trong chương trình hoạt động của Bộ Y tế tại Quảng Trị, tổ công tác số 3 do TS. Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm tổ trưởng làm trưởng đoàn.

Tại buổi làm việc với TTYT huyện Triệu Phong, đoàn đã nghe báo cáo về công tác triển khai khắc phục hậu quả sau bão lũ của địa phương này.

BS. Nguyễn Chiến Thắng, Phó Giám đốc TTYT huyện Triệu Phong cho biết, ngay sau khi lũ rút TTYT huyện đã chỉ đạo các Trạm y tế phổ biến đến các nhân viên y tế thôn bản các biện pháp xử lý môi trường, khử khuẩn nguồn nước sinh hoạt và thau rửa giếng, bể chứa nước theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 

Sau khi lũ rút, TTYT đã cử nhân viên y tế thôn bản kết hợp với chính quyền xã đến từng hộ gia đình để hướng dẫn xử lý nguồn nước. Đồng thời, cũng hướng dẫn các hộ dân cách thu gom và xử lý xác súc vật, động vật chết.

Tổ công tác của Bộ Y tế lắng nghe ý kiến từ các cán bộ y tế ở cơ sở.

Về công tác truyền thông phòng chống các dịch bệnh phổ biến sau mưa lũ như sốt xuất huyết, tiêu chảy, các bệnh ngoài da, đau mắt đỏ…, TTYT đã chỉ đạo các Trạm y tế xã phổ biến đến người dân để có phương án phòng chống dịch bệnh sau lũ rút. Hiện đến nay lũ đã rút được 1 tuần, tại TTYT huyện chưa ghi nhận ca bệnh sốt xuất huyết, cũng như tiêu chảy, có ghi nhận lẻ tẻ một vài bệnh nhân bị đau mắt.

Đối với bệnh ngoài da, BS. Thắng cho hay, theo báo cáo của các Trạm y tế, sau khi lũ rút hầu hết người dân bị bệnh ngoài da đã đến khám và được hướng dẫn điều trị ngay tại trạm nên không có bệnh nhân lên khám tại Trung tâm.

Sau khi lũ rút, các cán bộ y tế Trạm y tế xã Triệu Thượng đã dọn dẹp và khử trùng, xử lý môi trường và tiếp đón bệnh nhân đến đến trạm khám bệnh, tư vấn dinh dưỡng.

Sau khi lắng nghe thực trạng của TTYT huyện Triệu phong, đoàn công tác của Bộ Y tế đánh giá cao sự chủ động của TTYT huyện trong công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ và phòng chống bệnh tật.

BS. Đoàn Văn Hiếu, Cục Quản Lý môi trường Y tế thành viên tổ công tác, cho biết, khi nghe báo cáo và thị sát thực tế thì công tác xử lý vệ sinh môi trường và xử lý nguồn nước sau lũ, địa phương đã cơ bản thực hiện tốt. Công việc trước mắt của địa phương cần tiếp tục giám sát và hướng dẫn người dân thực hiện xử lý môi trường theo quy định của Bộ Y tế, có khó khăn gì về hoá chất xử lý môi trường nguồn nước thì báo cáo để được hỗ trợ kịp thời.

Đồng quan điểm trên,Bs. Nguyễn Văn Kiên, Cục Y tế dự phòng cũng đánh giá cao sự chủ động của địa phương từ Sở Y tế đến Trung tâm y tế và các trạm y tế xã đã tích cực triển khai, giám sát dịch bệnh, vì thế dù là huyện có nhiều xã bị ngập lụt sâu nhưng đến thời điểm này chưa ghi nhận dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát, chỉ ghi nhận lẻ tẻ ca đau mắt đỏ…

Nhằm đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho người dân nhất là phụ nữ mang thai và trẻ em, BS. Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng Quốc gia có những gợi ý và hướng dẫn địa phương nhằm hỗ trợ, tư vấn dinh dưỡng cho người dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế như phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già.

Về công tác phòng chống bệnh lâu dài, TS. Nguyễn Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng và côn Trùng Quy Nhơn, Phó tổ trưởng tổ công tác số 3 lưu ý, ngoài công việc đã làm tốt trong việc khắc phục hậu quả sau mưa lũ thì công tác phòng chống sốt rét, các bệnh tiêu chảy và đặc biệt là các bệnh phụ khoa cần được quan tâm vì đây cũng là nguy cơ lớn sau mỗi lần mưa lũ.

Từ trước đến nay, mưa lũ luôn là tác nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho người dân, đồng thời ảnh hưởng đến việc thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm tại nhiều địa phương. Nắm rõ được điều đó, sau các đợt mưa bão, Cục An toàn thực phẩm ban hành công văn đề nghị Sở Y tế, cơ quan y tế các địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai nhiều biện pháp cấp thiết nhằm tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, góp phần bảo đảm sức khỏe cộng đồng.

Một số biện pháp thực hiện thường xuyên như tuyên truyền, kiểm tra, giám sát bảo đảm tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết làm thực phẩm; phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm các loại lương thực, thực phẩm, nước uống do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt nhằm đảm bảo không để các sản phẩm bị hỏng, mốc, dập vỡ, hết hạn sử dụng… đến tay người dân; đồng thời hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, tổng vệ sinh nguồn nước dùng cho ăn uống và các công trình công cộng, không sử dụng thực phẩm ôi thiu, mốc hỏng... để đảm bảo sức khỏe.

Quỳnh Chi

Tin mới