Với việc giải đáp nhiều nội dung hữu ích, thời gian qua, hộp thư “Giảm thiểu ô nhiễm – Bảo vệ môi trường và hành động của bạn” của Kênh Sức khỏe và An toàn thực phẩm (Đài Tiếng nói Việt Nam) nhận được sự quan tâm của rất nhiều thính giả nghe đài.
Tại hộp thư số 2, liên quan đến vấn đề thu gom rác thải tại các địa điểm du lịch, thông qua qua số hotline 0243.773.8989, thính giả Đặng Ngọc Minh, sinh sống tại Phú Quốc, Kiên Giang đặt câu hỏi như sau:
“Không riêng tại Phú Quốc, mà tôi thấy ở nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng, nhưng việc xử lý rác ở nhiều nơi chủ yếu vẫn là chôn lấp. Tôi cho rằng chúng ta cần nghĩ nhiều hơn đến các phương án tái chế rác thải. Tuy nhiên đây có phải điều quá khó khăn hay không?”
Phương pháp chôn lấp thường áp dụng cho chất thải rắn là rác thải đô thị không được sử dụng để tái chế, tro xỉ của các lò đốt, chất thải công nghiệp. Phương pháp này cũng thường áp dụng để chôn lấp chất thải nguy hại, chất thải phóng xạ ở các bãi chôn lấp có thiết kế đặc biệt cho rác thải nguy hại.
Chôn lấp rác thải có ưu điểm là công nghệ đơn giản, chi phí đầu tư và vận hành thấp. Tuy nhiên, nó cũng tồn tại những nhược điểm như diện tích chôn lấp lớn, quá trình phân hủy kéo dài, phải xử lý rác độc hại, có nguy cơ dẫn đến ô nhiễm nước - không khí - đất tại khu vực chôn lấp. Do vậy, cách tốt nhất là tái chế rác thải để đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay, việc tái chế rác thải vẫn tồn tại nhiều khó khăn nên chưa thể thực hiện trên phạm vi rộng.
Tái chế rác thải khu du lịch còn nhiều khó khăn.
Với câu hỏi của bạn Ngọc Minh, chuyên gia môi trường Văn Thị Minh Hoa có lời giải đáp như sau:
"Việc tái chế rác thải rất khó trong một giai đoạn nhất định, bởi để tạo ra những sản phẩm mới như thế, chúng ta phải có quá trình nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất. Trong nước, chúng ta phải nhanh chóng triển khai một nền kinh tế tuần hoàn. Điều này thế giới đã có rồi, chúng ta chỉ tiếp cận nó và đưa các công nghệ tái chế vào để vận hành nhanh chóng. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể dùng các nguồn lực của quốc gia, sự hỗ trợ của thế giới, các tiến bộ của khoa học, nguồn lực quỹ của quốc tế để triển khai mô hình này càng nhanh chóng càng tốt".
Trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển đổi từ kinh tế thẳng sang kinh tế tuần hoàn là thiết yếu đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Mục đích của kinh tế tuần hoàn là nhằm kéo dài thời gian sử dụng các sản phẩm, tăng năng suất của các tài nguyên. Tất cả các "phế thải" của một quy trình sản xuất tiêu dùng đều nên được xem như nguyên vật liệu của các quy trình sản xuất tiêu dùng khác, bất kể đó là sản phẩm phụ hay tài nguyên được thu hồi từ một quy trình công nghiệp khác hay tài nguyên được tái sinh cho môi trường tự nhiên. Cách tiếp cận này là tương phản với mô hình mô hình kinh tế tuyến tính đang được phổ biến rộng rãi.