Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đẩy mạnh tiêm chủng, tạo miễn dịch cộng đồng là phản ứng chính sách sáng suốt

Huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh tiêm chủng và tạo miễn dịch cộng đồng là định hướng chiến lược của Thủ tướng cho cuộc chiến chống COVID-19 ở giai đoạn mới.

Đây là sự điều chỉnh chiến lược rất kịp thời, với thông điệp được Thủ tướng đưa ra là: “Chuyển từ phòng ngự sang tấn công”.

Phòng ngự nghĩa là truy vết, khoanh vùng, dập dịch. Chiến lược này đã giúp đất nước ta khống chế thành công dịch COVID-19 và duy trì mức tăng trưởng dương cho nền kinh tế trong các đợt bùng phát dịch trước đây.

Tuy nhiên, khi đại dịch tiếp tục bùng phát ở các nước láng giềng và trên toàn cầu, thì nước ta không khỏi trở thành “vùng trũng” cho virus vào. Trong một thế giới toàn cầu hóa sâu rộng như hiện nay, cách ly đất nước triệt để khỏi mọi tác động của bên ngoài là gần như không thể.

Chính vì vậy, truy vết, khoanh vùng, dập dịch cần được xem là chiến lược “câu giờ” để chờ vaccine hơn là giải pháp có thể giúp chúng ta giành phần thắng trong cuộc chiến. Trong khi chúng ta vẫn chưa thể có ngay vaccine, và nếu có thì vẫn chưa thể tiêm chủng ngay cho từ 70 đến 75 triệu người (70 đến 75% dân số để tạo ra miễn dịch cộng đồng), thì truy vết, khoanh vùng, dập dịch vẫn rất cần thiết và vẫn phải là một nội dung quan trọng của chiến lược phòng chống dịch COVID-19.

Tiêm vaccine COVID-19 để nhanh chóng tạo miễn dịch cộng đồng.

Tuy nhiên, quan trọng hơn vẫn là tấn công để đẩy lùi đại dịch COVID-19. Tấn công là đẩy mạnh tiêm chủng để tạo ra miễn dịch cộng đồng. Muốn vậy phải có vaccine và phải có đủ số lượng cần thiết. Do đó, một chiến lược vaccine là không thể thiếu. Chiến lược này đã được hình thành trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Trước hết, đó là việc huy động mọi nguồn lực tài chính để mua và sản xuất vaccine. Bên cạnh một khoản ngân sách rất lớn đã được nhanh chóng thông qua, Chính phủ còn thành lập Quỹ Vaccine để huy động sự đóng góp của toàn xã hội.

Trong một thời gian rất ngắn, hàng nghìn tỷ đồng đã được các doanh nghiệp và nhiều người dân đóng góp. Theo hướng này, một nhà báo nổi tiếng còn đề nghị Chính phủ nên phát hành công trái phòng chống COVID-19 với thời hạn từ 10 đến 20 năm để huy động tài chính từ người dân. Người dân mua công trái, vừa đóng góp tài chính cho cuộc chiến chống đại dịch, vừa giữ lại như kỷ niệm về một thời sát cánh cùng Chính phủ trong cuộc chiến cam go nói trên.

Thứ hai, đó là đa dạng hóa nguồn vaccine. Tất cả các loại vaccine đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả qua chiến dịch tiêm chủng của các nước trên thế giới đều cần được tiếp cận và cấp phép sử dụng.

Ngoài việc vận động các nước, các tổ chức quốc tế ủng hộ, hai định hướng khác ở đây là: Chủ động tìm kiếm, thương lượng để được chuyển giao công nghệ và nhanh chóng tổ chức sản xuất vaccine trong nước; Đẩy nhanh quá trình thử nghiệm và sản xuất vaccine do Việt Nam tự nghiên cứu.

Thứ ba, đó là khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức có điều kiện chủ động tìm kiếm nguồn vaccine để tiêm cho người lao động và các thành viên của mình. Hiện nay, rất nhiều tập đoàn toàn cầu có nhà máy, trụ sở chi nhánh ở Việt Nam đã mua được đầy đủ vaccine cho mình. Họ hoàn toàn có thể nhanh chóng nhập khẩu vaccine và nhanh chóng tiêm chủng cho nhân viên và đội ngũ quản lý của mình.

Tạo điều kiện cho họ là cần thiết để việc sản xuất, kinh doanh không bị đứt gãy. Một sự đứt gãy sẽ ảnh hưởng hết sức tiêu cực đến nền kinh tế, uy tín quốc gia, cũng như cơ hội của đất nước trong việc đón nhận các nguồn đầu tư từ quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cuối cùng, chúng ta đã đi đầu thế giới trong việc phòng ngự chống lại đại dịch COVID-19, nhưng dường như lại đang đi sau trong việc tấn công chống lại đại dịch này. Điều chỉnh chiến lược để bắt kịp và vượt lên trong chiến dịch tiêm chủng để nhanh chóng tạo ra miễn dịch cộng đồng là một phản ứng chính sách sáng suốt và kịp thời.

Khi đã có miễn dịch cộng đồng, thì cho dù con virus Corona vẫn sẽ ở lại với chúng ta, nhưng khi đó nó sẽ chỉ còn là một thứ dịch bệnh hoàn toàn có thể điều trị như bao loại dịch bệnh khác mà thôi.

TS Nguyễn Sỹ Dũng (Báo Điện tử Chính phủ)

Tin mới