Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đầu Xuân khám phá nét kiến trúc độc đáo làng cổ Thổ Hà

(VTC News) -

Bên dòng sông Cầu thơ mộng, trong tiết trời ngập tràn sắc xuân, làng cổ Thổ Hà (Bắc Giang) hiện lên vẻ đẹp cổ kính, kiến trúc độc đáo của làng quê Bắc Bộ.

Làng cổ Thổ Hà (huyện Việt Yên, Bắc Giang) nằm bên sông Cầu thơ mộng. Trải qua thời gian, làng Thổ Hà hiện vẫn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc với vẻ đẹp cổ kính, độc đáo mang đậm dấu ấn đặc trưng của làng quê thuần Việt.

Làng Thổ Hà nằm bên dòng sông Cầu thơ mộng, vang bóng một thời với nghề làm gốm cùng với Bát Tràng và Phù Lãng.

Làng cổ Thổ Hà 3 mặt giáp sông, người dân không có ruộng, bao đời nay nguồn sống chính là từ nghề thủ công, buôn bán nhỏ. Trong số những nghề sinh tồn đó, Thổ Hà vang bóng một thời với nghề làm gốm dung dị, gần gũi với đời sống người dân quê trong sinh hoạt hằng ngày với những chum, vại, chĩnh, tiểu sành.

Do thăng trầm của thời gian, nghề làm gốm dần mai một nhưng dấu tích của nghề vẫn còn hiện hữu ở những ngôi nhà cổ, cùng những bức tường được xây bởi mảnh gốm, tiểu sành, mảnh chum, vại xếp lại... với những con ngõ nhỏ hun hút tạo nên một Thổ Hà khác biệt, độc đáo và cổ kính đậm đà bản sắc vẫn được lưu giữ đến hôm nay.

Cây đa, bến nước nét đặc trưng của những ngôi làng ở Bắc Bộ.

Làng Thổ Hà nổi tiếng với những kiến trúc cổ từ nhà cửa đến cổng làng đều được làm bằng gạch nung và sành đắp nổi không tráng men.

Sự hưng thịnh của nghề gốm một thời nơi đây đã giúp người dân xây dựng một quần thể kiến trúc đình, chùa, bề thế, uy nghi và nhiều ngôi nhà cổ, dấu tích còn sót lại của một làng nghề đã từng rực lửa làm gốm.

Làng Thổ Hà còn lưu giữ được hơn chục căn nhà cổ nằm sâu trong những ngõ nhỏ rêu phong, điển hình là của dòng họ Trịnh Đắc, Trịnh Quang, Nguyễn Đình, họ Cáp. Nhà nào cũng có nét riêng, không chỉ đẹp ở kiến trúc cổ mà còn ở những kỷ vật, gia phong lưu truyền qua các thế hệ.

Làng Thổ Hà vẫn lưu giữ được hơn 10 căn nhà cổ có tuổi đời từ 200-300 năm.

Ông Trịnh Đắc Mùi ở Thổ Hà là hậu sinh đời thứ 7 của ngôi nhà gần 300 năm tuổi thuộc hàng cổ nhất, có lối kiến trúc kiểu chữ nhất ngang gồm 7 gian, với 5 gian nhà ngoài và 2 gian buồng trong. Lòng nhà rộng 7,5m, dài 17.5m, được dân gian gọi là nhà “đại khoa”.

Ông Trịnh Đắc Mùi bên ngôi nhà cổ có tuổi đời gần 300 năm.

Trong nhà có những hương án, ngai thờ, lư hương, hoành phi, câu đối... đặc biệt là bức thư pháp bằng gỗ được khảm vỏ ốc màu trắng ngà trên nền gỗ đen bóng rất đẹp, dưới đặt một sập thờ cổ dạng chân quỳ dạ cá, trên là khám thờ gỗ với các rèm cửa được chạm khắc tinh tế.

 “Ngôi nhà này từ đời cụ kỵ truyền lại, vật liệu để xây lên ngôi nhà cổ của chúng tôi đều được làm từ các mảnh sành, tiểu sành hoặc ngói bị lỗi, hỏng bởi những người thợ gốm làng Thổ Hà đã tạo cho Thổ Hà một lối kiến trúc riêng biệt, hiếm có nên tôi cố gắng giữ gìn nguyên vẹn ngôi nhà để con cháu hiểu được phần nào công lao, nỗ lực của người xưa để lại”, ông Mùi cho biết thêm.

Nhà cổ ở Thổ Hà không chỉ đẹp ở kiến trúc cổ mà còn ở những kỷ vật, gia phong lưu truyền qua các thế hệ.

Cổng làng Thổ Hà là một trong những cổng làng đẹp nhất ở vùng hạ và trung lưu sông Cầu với kiến trúc cổ kính. Cổng nằm ở ngay đầu làng phía trước đình, một bên là hồ nước rộng, một bên là cây đa hàng trăm năm tuổi mang đậm dấu ấn văn hóa của làng quê đồng bằng Bắc Bộ.

Cổng làng Thổ Hà là một trong những cổng làng đẹp nhất vùng hạ lưu sông Cầu.

Đình Thổ Hà là một ngôi đình nổi tiếng của xứ Kinh Bắc, được xây dựng vào năm 1692, thời vua Lê Hy Tông. Đình Thổ Hà tiêu biểu cho không gian tâm linh, văn hóa của người Việt với nét kiến trúc đặc trưng.

Theo các văn bia và trên một số cấu kiện của kiến trúc có ghi thì đình Thổ Hà được khởi dựng vào năm 1685. Đình được khởi dựng vào đời Lê Hy Tông trên khu đất rộng 3.000m2 có nhiều cây cổ thụ xung quanh.

Đình làng Thổ Hà mang đậm dấu ấn kiến trúc cổ đặc trung của làng ghề gốm một thời hưng thịnh.

Từ đình làng, tỏa ra trục đường chính là những ngõ nhỏ sâu hun hút. Những người lần đầu đặt chân đến đây đều ngạc nhiên với những lối nhỏ, ngõ nhỏ, có nơi chỉ rộng đủ hai người đi vừa.

Những bức tường thay vì xây bằng gạch lại được xếp lại với những mảnh gốm, tiểu sành, chiếc chum, vại tạo nên những tác phẩm “độc nhất vô nhị” để ai xem cũng không khỏi ngỡ ngàng. Những bức tường nhuốm màu thời gian tạo nên một Thổ Hà khác biệt, cổ kính, rêu phong và đậm đà bản sắc.

Những bức tường nhuốm màu thời gian được người xưa xếp lại với những mảnh gốm, tiểu sành, chiếc chum, vại tạo nên sự khác biệt, cổ kính của Thổ Hà.

Ông Cát Trọng Điền, người dân làng Thồ Hà cho biết, từ xưa cha ông mình làm gốm, có những mảnh vỡ hay sản phẩm chum, vại kém chất lượng thì đập ra, xếp lại để tạo thành những bức tường.

Những bức tường này đã tồn tại hàng trăm năm nay, nó là hồn quê, là sản phẩm của làng nghề một thời hưng thịnh làm nên chất riêng cho làng Thổ Hà chúng tôi”,  ông Điền cho biết thêm.

Ông Cát Trọng Điền, người dân làng Thồ Hà chia sẻ: "Những bức tường ở Thổ Hà không trát vôi vữa mà được tận dụng từ chính những mảnh gốm, chum vại, tiểu sành bỏ đi tạo nên nét độc đáo cho ngôi làng".

Do nghề làm gốm đã bị mai một, ở Thổ Hà bây giờ, người dân đã chuyển sang nghề làm bánh đa. Đi dọc ngõ nhỏ trong làng, phía trên cao là những phên tre dài phơi bánh, xếp san sát nhau. Đẹp nhất khi nắng chiều chiếu qua từng phên bánh tạo nên bức tranh độc đáo chỉ Thổ Hà mới có.

Những phên bánh được người dân phơi, xếp san sát nhau tạo nên một bức tranh lạ khiến du khách thích thú khi đến đây.

Đến Thổ Hà, du khách còn được thưởng thức món bánh đa Thổ Hà nổi tiếng thơm ngon bởi nguyên liệu được chọn lọc kĩ càng và cách nêm gia vị khéo léo. Người dân Thổ Hà có công thức đặc biệt chế biến bánh đa nên bánh có vị ngon riêng biệt, khác hẳn với loại bánh đa thông thường.

Nếm chiếc bánh đa Thổ Hà, thực khách có thể cảm nhận được vị bùi, ngậy của vừng lạc, béo của dừa và hương vị thơm ngon giòn tan của chiếc bánh, khiến thực khách khó quên khi đến nơi đây.

Những chiếc bánh đa Thổ Hà với vị ngon ngậy của vừng lạc, béo của dừa khiến du khách khó quên.

Tạm biệt Thổ Hà trong tiết trời xuân ngập tràn trên triền đê sông Cầu, dưới ánh nắng phía bên làng như nằm nghiêng bên điệu hát quan họ ở một ngôi nhà bên vọng lại “Mỗi khi khách đến chơi nhà/ Đốt than quạt nước pha trà mời người xơi/ Trà này quý lắm người ơi/ Mỗi người một chén cho tôi vui lòng”…như nói lên tấm chân tình của những con người đôn hậu, nhiệt tình, hiếu khách nơi đây.

VĂN CHƯƠNG

Tin mới