Nhiều người khi chế biến tôm hay loại bỏ phần đầu vì cho rằng chúng quá cứng và bẩn. Điều này gây lãng phí vì phần đầu tôm chứa gạch tôm có giá trị dinh dưỡng cao cũng như một lượng thịt đáng kể, thường chiếm 25% đến 30% khối lượng của đầu tôm.
Với cách làm dầu tôm sau đây, chúng ta sẽ tận dụng được hết giá trị dinh dưỡng có trong đầu tôm để chế biến món ăn.
(Ảnh: Icook)
Nguyên liệu:
- Đầu tôm: 200gr
- Dầu ăn: 400gr
- Ớt bột: 3gr
- Gừng: 5 lát
- Tỏi: 5 tép.
Đầu tôm làm sạch, cho vào chảo cùng với tỏi, gừng, dầu ăn. Bật lửa đun sôi dầu, sau đó giảm lửa nhỏ, đun thêm khoảng 15 phút. Để tăng hương vị cho dầu tôm, bạn có thể băm nhuyễn tỏi, gừng cho vào. Lượng đầu tôm càng nhiều thì món dầu tôm sẽ càng ngọt.
(Ảnh: Icook)
Khi đầu tôm teo lại do quá trình chiên ngập dầu, có mùi thơm và màu vàng, bạn tắt bếp, có thể thêm ớt bột để tăng hương vị cho món dầu; hay tăng - giảm lượng ớt bột để điều chỉnh độ cay.
(Ảnh: Icook)
Để nguội chảo dầu, sau đó lọc bỏ phần vỏ và đầu đã được sơ chế là hoàn tất quy trình chế biến dầu tôm. Bạn cho dầu tôm vào hộp kín sạch sẽ, loại dầu gia vị này có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 2 tuần, để trong tủ đông 6 tháng.
(Ảnh: Icook)
Sử dụng dầu tôm thế nào? Mỗi lần nấu canh hoặc nấu mỳ, chúng ta chỉ cần thêm vào một thìa dầu tôm để món ăn có hương vị hải sản đậm đà, màu sắc bắt mắt.
Lưu ý khi làm sạch đầu tôm: Phần đầu tôm không chứa phân nhưng có phần dạ dày, nơi chứa chất bẩn và mầm bệnh. Dạ dày của tôm màu đen nên rất dễ nhận dạng, có thể tách ra dễ dàng ở khâu làm sạch tôm trước khi chế biến.
Trong đầu tôm chứa gạch tôm có giá trị dinh dưỡng cao và vị bùi, béo, mùi thơm đặc trưng. Gạch tôm nằm ngay sát vỏ đầu, bên cạnh dạ dày. Để loại bỏ dạ dày mà vẫn giữ nguyên được phần gạch và thịt này, bạn hãy khéo léo lách một bên đầu tôm, lấy dạ dày ra rồi đặt lại như cũ.