Ngày 23/5, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, các đơn vị chức năng trong nước vẫn đang giám sát chặt bệnh đậu mùa khỉ để ngăn ngừa dịch xâm nhập vào Việt Nam. Cục cũng đang phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm kịp thời cập nhật các thông tin về bệnh cũng như biện pháp ứng phó.
Theo WHO, tính tới 21/5, thế giới có 92 ca bệnh đậu mùa khỉ và 28 ca nghi nhiễm được báo cáo ở 12 quốc gia như: Anh, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Canada, Bỉ, Đức, Australia, Mỹ...
Các cuộc điều tra dịch tễ vẫn đang diễn ra. Tuy nhiên, theo dự đoán của WHO sẽ có nhiều trường hợp mắc đậu mùa khỉ được xác định do việc giám sát mở rộng ở các nước không có dịch bệnh.
Hình ảnh tổn thương tay và chân của một bệnh nhi bị đậu mùa khỉ. (Ảnh: CDC Mỹ)
Theo các chuyên gia, bệnh đậu mùa khỉ liên quan tới bệnh đậu mùa bị xóa sổ năm 1980 nhưng triệu chứng nhẹ, khó lây và tỷ lệ tử vong cũng thấp hơn.
Các bằng chứng cho thấy, những người nguy cơ cao mắc bệnh có tiền sử tiếp xúc thân thể gần gũi với người bị đậu mùa khỉ khi họ đang có triệu chứng.
Thời kỳ ủ bệnh đậu mùa khỉ (thời gian từ khi nhiễm bệnh đến khi có triệu chứng) là 7-14 ngày nhưng có thể 5-21 ngày. Bệnh thường kéo dài từ 2-4 tuần và các triệu chứng có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể từ 5-21 ngày sau khi nhiễm virus.
Các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ lúc khởi phát thường là sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết.
Sự khác biệt chính giữa các triệu chứng của bệnh đậu mùa và bệnh đậu mùa khỉ là bệnh đậu mùa khỉ làm cho các hạch bạch huyết sưng lên trong khi bệnh đậu mùa thì không.
Hiện, bệnh không có vaccine phòng ngừa, nhưng theo chuyên gia, vaccine phòng bệnh đậu mùa có hiệu quả lên tới 85% trước đậu mùa khỉ.
Do lây lan qua con đường tiếp xúc gần nên cách tốt nhất để phòng ngừa đậu mùa khỉ là thường xuyên rửa tay, sát khuẩn, khử khuẩn bề mặt và cách ly khi có triệu chứng...