Cô Phương và anh Vu, người Giang Tô, Trung Quốc, sau khi kết hôn một thời gian thì có một cô con gái. Tuy nhiên, trong quá trình chung sống, do hai bên thường xuyên xảy ra mâu thuẫn về những chuyện lặt vặt trong gia đình nên cô Phương đã đệ đơn ly hôn ra toà, mong được ly hôn. Song, lần này đơn của cô Phương bị toà bác bỏ.
Hơn một năm sau, cô Phương đệ đơn ly hôn lần thứ hai, lần này cô Phương yêu cầu chồng phải nuôi nấng con gái. Thế nhưng anh Vu vẫn không đồng ý ly hôn lại từ chối việc nuôi con với lý do công việc không ổn định, không có nơi ở cố định, hơn nữa, con gái luôn được mẹ chăm sóc bấy lâu nay, không quen ở với bố.
Đau lòng bé gái không được cả bố và mẹ nhận nuôi khi ra toà ly hôn. (Ảnh minh hoạ)
Mới đây, khi phiên toà xét xử vụ việc diễn ra, thẩm phán cho rằng cả hai vợ chồng đều trốn tránh trách nhiệm trong vấn đề nuôi con. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực đạo đức hôn nhân và gia đình, không chấp nhận đơn xin ly hôn của nguyên đơn, yêu cầu hai bên phải tự giải quyết vấn đề tình cảm thấu đáo, tiếp tục nghĩa vụ và trách nhiệm làm bố mẹ của mình.
Sau khi thông tin về phiên toà được báo chí đăng tải, rất nhanh đã thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận. Đa số mọi người đều lên án thái độ và hành vi thiếu trách nhiệm của cô Phương và anh Vu, đồng thời họ cũng thương cảm cho bé gái có bố mẹ như cặp đôi này.
"Toà phán xử như thế không biết có đúng không nữa, hai vợ chồng không có tình cảm với con, cưỡng ép giao con cho họ chỉ khiến họ oán hận trong lòng, sau đó họ có thể sẽ ngược đãi con bằng mọi cách có thể để giải toả cảm xúc. Nếu bố mẹ không muốn nuôi con, tốt hơn là nên giao đứa trẻ cho một gia đình thích trẻ con làm con nuôi, để cô bé có một tuổi thơ hạnh phúc", một cư dân mạng bình luận.
Luật sư Vương Thành Nham, ở Liêu Ninh khi nhìn thấy tin tức này cũng bình luận: "Toà án đã phán quyết định đúng, nếu không giải quyết được vấn đề con cái thì đừng nghĩ đến việc ly hôn tìm hạnh phúc mới. Đừng chỉ biết quan tâm đến hạnh phúc của chính mình, cha mẹ còn sống khoẻ mạnh lại muốn gửi những con vào trại mồ côi sao?
Tôi nhớ khi tôi mới trở thành luật sư, thẩm phán một toà án sơ cấp đã trao đứa trẻ cho một bên không muốn nuôi con, kết quả là người đó đã đem đứa trẻ đến toà án rồi bỏ đi, nhân viên tòa án thay nhau nhận chăm sóc bé trong vài ngày rồi chuyển cho phòng công tác xã hội.
Sinh con thì phải nuôi, không muốn nuôi thì đừng sinh đẻ, đẻ ra rồi không muốn nuôi thực sự quá vô trách nhiệm, không xứng đáng làm cha mẹ".