Đại diện Cục CSGT, cho biết, sau 4 ngày đấu giá, có 95 biển số ô tô được đưa ra đấu giá, với tổng số tiền dự thu lên tới hơn 133 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mới có 7 người nộp tiền, với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng.
Người từng "chốt đơn" hơn 32 tỷ đồng cho biển số siêu đẹp 51K-888.88 (TP.HCM) ở ngày đấu giá đầu tiên đến nay vẫn "im hơi lặng tiếng".
Trả lời PV VTC News, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, hiện chưa có chế tài về việc người trúng đấu giá bỏ cọc, họ chỉ mất số tiền đã đặt cọc để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ nộp tiền.
Tuy nhiên, ông Cường cho rằng không cần thiết phải quy định chế tài xử phạt đối với hành vi không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền khi trúng đấu giá, bởi bản chất đây là quan hệ dân sự thông qua thủ tục hành chính. Nếu người trúng đấu giá bỏ cuộc, khi đó họ mất tiền cọc thì cũng không khác gì tiền phạt khi không thực hiện nghĩa vụ của người trúng đấu giá.
"Nếu tình trạng này diễn ra nhiều, nhiều người bỏ giá cao để "lướt cọc" trục lợi thì dẫn đến tình trạng thổi giá, giá ảo và các cuộc đấu giá sẽ không thành công, sẽ phải hủy bỏ để tổ chức đấu giá lại nhiều lần...", luật sư Đặng Văn Cường bày tỏ lo ngại.
Biển số siêu đẹp 51K-888.88 trúng đấu giá hơn 32 tỷ đồng.
Theo ông Cường, để giải quyết tình trạng này chỉ có cách duy nhất là quy định trách nhiệm ràng buộc đối với những người tham gia đấu giá, trong đó có việc quy định số tiền đặt cọc cao lên.
"Kết quả đấu giá biển số xe ô tô cho thấy có một số người trúng giá ở mức cao hơn rất nhiều so với giá khởi điểm, nhiều người lo ngại rằng đây là giá ảo, người mua sẽ bỏ cọc hoặc sẽ tìm cách thổi giá để tạo mặt bằng thị trường biển số xe đẹp nhằm trục lợi", luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.
Về nguyên tắc là người tham gia đấu giá biển số xe phải đặt trước một khoản tiền đặt cọc để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ nộp tiền khi trúng đấu giá.
Khi trúng đấu giá, tiền đặt trước được chuyển vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an để nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá sau khi đã trừ số tiền đặt cọc vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an. Tiền trúng đấu giá không bao gồm lệ phí đăng ký xe.
"Việc những người trúng đấu giá biển số xe ô tô với giá "trên trời" như vậy có nhu cầu thực sự hay không, có nghiêm túc thực hiện cam kết hay không, phải chờ 15 ngày sau ngày có kết quả trúng đấu giá thì mới có thể xác định được", luật sư Cường phân tích.
Trường hợp đã nhận được thông báo về kết quả trúng giá mà trong thời hạn 15 ngày, người trúng đấu giá biển số xe không nộp tiền thì coi như từ bỏ kết quả trúng đấu giá, Nhà nước sẽ thu giữ số tiền đặt cọc nộp vào ngân sách và tiếp tục tổ chức đấu giá lại đối với biển số xe đó cho đến khi có người trúng giá nộp tiền, xác lập quyền sở hữu đối với biển số xe đó theo quy định pháp luật.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường.
Theo ông Cường, quy định này phù hợp với quy định pháp luật về đấu giá tài sản, đảm bảo cho những người không có khả năng, không có nhu cầu thực sự nhưng trả giá cao sẽ mất tiền đặt cọc, biển số xe đó vẫn sẽ tiếp tục được tổ chức đấu giá cho những người có nhu cầu thực sự.
Ngoài ra, sau mỗi phiên đấu giá thành công, một số người trúng đấu giá liền rao bán biển số vừa trúng đấu giá với giá chênh lệch từ vài trăm tới hàng tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo luật sư Đặng Văn Cường, người trúng giá biển số xe nhưng chưa nộp tiền vào ngân sách Nhà nước, chưa gắn vào xe ô tô của mình thì vẫn chưa đủ điều kiện để rao bán, không dễ dàng có thể "lướt cọc", kiếm lời.
Người nào cố tình giao dịch với người trúng đấu giá bằng hình thức viết tay giấy tờ mua bán biển số xe (bên bán mới chỉ là người trúng đấu giá và đặt cọc), hoặc thỏa thuận miệng về việc mua bán biển số xe đó nhưng chưa tìm hiểu kỹ về tính pháp lý thì có thể đối mặt với rủi ro, có thể bị mất tiền, thậm chí bị lừa đảo.