Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cho biết, mục đích của buổi đối thoại ngoài việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp vận tải, cải thiện thị phần quốc tế thì quan trọng là nghiên cứu các giải pháp cụ thể, thiết thực để tận dụng các lợi thế “trời cho”. Đó là bờ biển dài, hệ thống cảng biển lớn, đa dạng kéo dài từ Bắc vào Nam, hệ thống đường thủy nội địa đa dạng ở 3 miền.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhận định, dù có nhiều lợi thế nhưng hệ thống đường thủy chưa khai thác hiệu quả. Vận tải đường bộ, nhất là về hàng hóa vẫn chiếm chủ yếu, đến 80%.
"Mục tiêu của chúng tôi rất mong muốn thời gian tới chúng ta phải nâng thị phần hàng hóa bằng đường biển ven bờ và đường thủy nội địa, để làm thể nào, phương thức này vận tải bằng hàng hóa phải chiếm tỷ trọng lớn nhất, trước mắt là mục tiêu 50%, càng nhanh càng tốt", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, nếu nâng được thị phần hàng hóa trong nước bằng đường biển ven bờ và đường thủy nội địa sẽ giảm chi phí ligostics, tiết kiệm tối đa chi phí bảo trì bảo dưỡng. Đặc biệt sẽ giảm tai nạn giao thông giảm số người chết và bị thương, vấn đề mà Đảng, Nhà nước đang quan tâm…
Quang cảnh buổi đối thoại.
Trước đó, nhiều ý kiến tại đối thoại cho biết, mặc dù có điều kiện để phát triển nhưng thực tế chưa như kỳ vọng. Vận tải đường thủy, nhất là vận tải đường thủy nội địa manh mún, tự phát, chưa gắn kết tạo ra sự tranh hàng hóa, tăng chi phí, giảm sự đóng góp vào sự phát triển của ngành…
Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam, cho biết: "Đa số phương tiện hoạt động riêng lẻ, một số ít tham gia hợp tác xã với qui mô nhỏ. Còn lại chưa được tổ chức thành đơn vị vận tải quy mô vừa và lớn. Tình trạng này làm cho vận tải đường thủy nội địa đông nhưng không mạnh, không tập trung nguồn lực tài chính đủ lớn để xây dựng hạ tầng bến bãi, kho cảng, nhà máy trang bị hiện đại đủ sức thực hiện các hợp đồng lớn".
Các đại biểu tham dự đối thoại.
Theo các doanh nghiệp, hiện tình hình thế giới dự báo tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, xung đột chính trị, vũ trang xảy ra tại nhiều nước, thương mại toàn cầu yếu hay những căng thẳng ở Biển Đỏ và thời tiết, biến đổi khí hậu diễn biến bất thường dẫn đến những khó khăn, thách thức lớn đối với ngành vận tải, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp sản xuất và phân phối hàng hóa.
Chính vì vậy, việc cập nhật, bổ sung các cơ chế, chính sách mới trong lĩnh vực hàng hải, đường thuỷ nội địa để hỗ trợ tốt hơn các nghiệp hàng hải và đường thủy nội địa là rất cần thiết.
Các doanh nghiệp mong muốn có thêm nhiều chính sách để phát triển vận tải đường thủy nội địa.
Các doanh nghiệp mong muốn đồng hành với các Bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội thúc đẩy phát triển ngành hàng hải, đường thuỷ nội địa; mong muốn có những ưu đãi tín dụng tạo điều kiện mở rộng đội tàu; tổ chức lại doanh nghiệp đường thủy nội địa nhất là ở khu vực ĐBSCL và đồng bằng Sông Hồng…
Trong đó, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam đề xuất Chính phủ và Bộ GTVT bổ sung quy hoạch và xây dựng chiến lược cho khu vực cảng, phát triển cảng xanh; thiết lập cơ chế hỗ trợ chính sách, thu hút vốn đầu tư; cải tạo mở rộng hệ thống sông ngòi, có cơ chế phát triển giao thông thủy nội địa…
Tại hội nghị, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Xuân Sang cũng cho biết, Việt Nam là một quốc gia ven biển, với lợi thế có bờ biển dài, gần các tuyến hàng hải quốc tế, hệ thống sông ngòi dày đặc, ngành hàng hải và đường thuỷ nội địa có vai trò quan trọng trong lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Đây là phương thức vận tải có chi phí thấp, có khả năng chuyên chở hàng hoá với khối lượng lớn, siêu trường, siêu trọng, đi các tuyến đường xa.
"Phần lớn hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam được vận tải bằng đường biển. Hệ thống cảng biển Việt Nam đã tiếp nhận được tàu có trọng tải lớn nhất thế giới, thu hút được nhiều hãng tàu lớn trên thế giới vào hoạt động. Việt Nam có 3 cảng nằm trong danh sách 50 cảng container có sản lượng thông qua lớn nhất thế giới.
Không những thế, ngành hàng hải cũng có tác động tích cực đến hoạt động du lịch. Hàng năm hệ thống cảng biển Việt Nam đón hàng nghìn chuyến tàu khách du lịch quốc tế từ khắp các nước trên thế giới đến Việt Nam", ông Sang nói.
Trong nhiều năm trở lại đây, lĩnh vực hàng hải và đường thuỷ nội địa luôn có tốc độ tăng trưởng hàng hoá cao, ổn định, kể cả trong thời gian dịch bệnh COVID-19 vẫn tăng trưởng dương. Cụ thể, vận tải hàng hóa năm 2023 đạt hơn 2.300 triệu tấn, tăng 15,4%; luân chuyển hàng hóa đạt 490 tỷ tấn, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2022. Vận chuyển hành khách năm 2023 tăng 12,3% so với cùng kỳ…
Bộ GTVT đặt ra mục tiêu vận tải đường thủy nội địa và ven biển chiếm ít nhất 50% vận tải hàng hóa cả nước.
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh, hội nghị đối thoại nhằm lắng nghe các ý kiến đóng góp, tiếp tục tạo dựng cơ chế chính sách, hệ thống pháp luật đồng bộ giúp cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động thuận lợi, hiệu quả.
Từ những kiến nghị đề xuất của các hiệp hội, doanh nghiệp, Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan sẽ xây dựng, ban hành hoặc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng ban hành cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, vận tải biển, đường thủy nội địa, khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng cảng biển, cảng đường thủy nội địa.