Chiều 24/12, phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phải cấm tuyệt đối chặt đào rừng và các loại cây khác của núi rừng, nhất là núi rừng Tây Bắc mang về Hà Nội bán dịp Tết; đồng thời yêu cầu các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.
Đào Sa Pa bày bán nhộn nhịp ven Quốc lộ 4D mỗi dịp giáp Tết.
Liên quan vấn đề này, ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai khẳng định Lào Cai không có đào rừng. Lâu nay mọi người vẫn thấy bà con vùng cao mang đào xuống phố bán thực chất đều là đào được trồng trong vườn hộ gia đình.
“Chúng ta cứ gọi là đào rừng, còn tôi 30 năm nay ở Lào Cai chưa từng thấy đào rừng thật bao giờ”, vị Phó Giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ.
Ông Tô Mạnh Tiến - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai.
Ông Tiến cho biết, đào vùng cao bề ngoài rêu mốc, cổ kính thực ra là lớp địa y bám trên vỏ cây; cộng với đặc thù không khí lạnh, độ ẩm cao nên loài sinh vật này phát triển rất mạnh, theo thời gian địa y bám càng dày.
Thông thường ở Lào Cai, người dân thường trồng hạt (giúp bền cây), trồng từ năm thứ 4 trở lên nếu đất tốt là bắt đầu cho thu hoạch, có thể tỉa cành để bán.
“Bà con vùng cao (chủ yếu là đồng bào thiểu số) bây giờ cũng rất thông thái. Đào tự trồng đương nhiên họ sẽ không bao giờ đào cả gốc mà chỉ tỉa cành bán để năm tới tiếp tục khai thác. Đào gốc, đào thế trông thấy ngoài chợ chủ yếu là đào bích”, ông Tiến nói.
“Cấm tuyệt đối chặt đào rừng” – Hiểu sao cho đúng?
Theo ông Tô Mạnh Tiến, để hiểu đúng chỉ đạo của Thủ tướng, trước hết phải giải nghĩa rõ thế nào là đào rừng. Đào rừng phải là đào mọc trong rừng tự nhiên, còn đào trong rừng sản xuất do bà con trồng sẽ không cấm khai thác, vận chuyển.
“Ở địa phương khác tôi không rõ, nhưng Lào Cai không có đào rừng tự nhiên. Đào trồng trong rừng sản xuất có thì cũng rải rác rất ít, vì khai thác, vận chuyển cành đào từ trên rừng xuống vừa cao, vừa xa, vừa cồng kềnh nên bà con không mặn mà”, ông Tiến cho hay.
Lớp địa y ngoài thân vỏ tạo nên vẻ cổ kính của đào vùng cao.
Hiện nay, cây đào ở Lào Cai chủ yếu được bà con trồng phân tán ở vùng cao trên các diện tích đất nông nghiệp. Vùng thấp như huyện Bảo Thắng cũng hình thành vựa trồng đào tập trung quy mô một vài hecta tương tự khu vực Nhật Tân, Đông Anh (Hà Nội) để cung ứng ra thị trường.
Đào không được tính là cây lâm nghiệp, nhưng khuyến khích người dân trồng vì mang lại giá trị kinh tế; mỗi dịp Tết trồng cây hàng năm, Lào Cai kêu gọi người dân trồng các loại cây phân tán, trong đó có cả cây đào.
Cành đào lên xe chở về xuôi.
Chăm sóc cành đào sau khi khai thác trong vườn trồng.
Ông Tiến cho biết, trong rừng tự nhiên ở Lào Cai đang tồn tại những loài cây có thể làm cảnh như vân sam, đỗ quyên, mận rừng… Những cây này cũng có hoa đỏ, dạng chùm, gần giống như hoa Anh Đào (Nhật Bản) luôn đứng trước nguy cơ bị chặt phá nên ngành nông nghiệp Lào Cai chỉ đạo kiểm lâm phải đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân; tăng cường quản lý, ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác trái phép.
“Lào Cai không có đào rừng thì vẫn còn nhiều cây rừng tự nhiên có thể làm cảnh khác. Bản thân tất cả cây, con trong rừng này đều không được phép xâm hại, vì thế phải tăng cường quản lý theo chỉ đạo của Thủ tướng”, ông Tiến nhấn mạnh.