Đây là nội dung được nhấn mạnh tại Hội nghị công giới năm 2024 của trường Đại học Kinh tế quốc dân diễn ra mới đây.
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Bùi Huy Nhượng, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội và cơ sở đào tạo tạo nên bước đột phá trong đổi mới sáng tạo nội dung giảng dạy. Điều này góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo gắn kết thực tiễn, tạo sự phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, tổ chức nói riêng và thị trường lao động nói chung.
Các doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm của mình trong đào tạo nguồn nhân lực cho chính mình bằng cách đặt hàng đào tạo, tham gia sâu vào quá trình tổ chức đào tạo, góp ý điều chỉnh nội dung giảng dạy gắn kết với thực tiễn giải quyết công việc.
"Chính sự tham gia của các doanh nghiệp, các tổ chức trong quá trình đào tạo là yếu tố bắt buộc, tạo cơ hội cho sinh viên, học viên có thể hiểu rõ những yêu cầu của thị trường lao động, tích lũy kiến thức cần thiết và bước chân vào thế giới việc làm một cách chủ động", PGS.TS Bùi Huy Nhượng nhấn mạnh.
PGS.TS Bùi Huy Nhượng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân
Theo ông Nhượng, với phương châm là trung tâm thu hút đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, là lựa chọn ưu tiên cao nhất của những học sinh xuất sắc có hoài bão và ước mơ, trường Đại học Kinh tế quốc dân luôn xác định hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội trong và ngoài nước vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển lâu dài, bền vững của nhà trường.
Trong khuôn khổ hội nghị, tọa đàm “Tăng cường đào tạo gắn kết thực tiễn hội nhập kinh tế” đã tạo ra một diễn đàn để các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận về các vấn đề nóng như làm thế nào để sinh viên ra trường có tính “thực chiến”, giải pháp nào để gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp...
Tọa đàm “Tăng cường đào tạo gắn kết thực tiễn hội nhập kinh tế”.
Ông Phan Minh Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty Pro Sports bày tỏ, việc tạo điều kiện cho người học sau khi tốt nghiệp có khả năng “thực chiến” tham gia vào thị trường lao động quan trọng. Vấn đềđặt ra làm sao có thể vừa học vừa “thực chiến”.
“Tôi cho rằng giải pháp cho vấn đề này phải được thực hiện từ cả 3 phía. Thứ nhất, sinh viên phải có động lực, tự tìm cho mình hành trình làm kinh tế. Thứ hai, nhà trường cần có các chương trình sát với thực tế. Thứ ba, các doanh nghiệp cần có sự chia sẻ, gắn kết thực sự, phải đặt mình trong mối quan hệ đào tạo với nhà trường”, ông Chính nói.
Tiếp thu góp ý của doanh nghiệp, tổ chức tuyển dụng trong việc tăng cường đào tạo gắn kết với thực tiễn, TS. Lê Anh Đức, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, nhà trường đã đưa vào tất cả các chương trình đào tạo đại học chính quy áp dụng từ Khóa 66 (tuyển sinh năm 2024) học phần “Chuyên đề thực tế - 4 tín chỉ” để tăng hàm lượng thực tiễn trong quá trình đào tạo.
Đồng thời đưa vào tất cả các chương trình đào tạo đại học chính quy áp dụng từ Khóa 66 môn học “Khoa học dữ liệu cơ bản trong kinh tế & kinh doanh - 3 tín chỉ” nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản cho sinh viên về dữ liệu, công nghệ, kỹ thuật
Ngoài ra, trường tiếp tục duy trì và tăng cường nguồn lực và phân cấp cho các khoa, viện đào tạo tổ chức các chuyến tham quan thực tế, trải nghiệm cho sinh viên (mỗi năm ít nhất 1 lần), xây dựng mạng lưới liên kết rộng rãi với cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức thực tiễn thông qua các hoạt động định kỳ, thường niên như ngày hội thực tập, ngày hội việc làm dành cho sinh viên.