Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đảo quốc Papua New Guinea hợp tác với Trung Quốc dù biết trước hậu quả

(VTC News) -

Bỏ qua những mối đe dọa nhãn tiền, Papua New Guinea vẫn ký kết thỏa thuận với Trung Quốc về một khu liên hợp chế biến hải sản.

Hồi cuối tháng 11, Trung Quốc và Papua New Guinea ký bản ghi nhớ về việc xây dựng khu liên hợp chế biến hải sản trên đảo Daru với trị giá 204 triệu USD. Theo biên bản, khu liên hợp này sẽ đóng vai trò là trung tâm cho các tàu cá đi vào khu vực và chế biến các sản phẩm đánh bắt được từ eo biển Torres.

Thông cáo báo chí công bố thỏa thuận nằm trong khuôn khổ Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc này tung hô, gọi đây là một chiến thắng đối với sự phát triển của địa phương cũng như thúc đẩy việc làm trong khu vực.

Nhưng Thị trưởng Daru lại tỏ ra bất ngờ trước kế hoạch trên. Ông nói bản thân chỉ được biết đến bản ghi nhớ vài ngày trước và tỏ ra khá lo ngại. 

"Chưa có gì cụ thể ở giai đoạn này. Nhưng tôi cho rằng nếu người Trung Quốc đến và thực hiện hoạt động đánh bắt lớn quanh đây, sẽ có một sự hủy diệt lớn với sinh vật biển", ông này cho biết.

Daru còn rất nghèo và đang cần các nguồn đầu tư từ bên ngoài. (Ảnh: ABC News)

Tham vọng đằng sau kế hoạch của Trung Quốc cũng khiến giới chức Australia lo ngại. 

Daru nằm ngoài bờ biển phía nam của Papua New Guinea trên eo biển Torres, chỉ cách cách lục địa Australia 200km.

Trong tuyên bố đưa ra tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne cam kết sẽ tìm kiếm thông tin chi tiết về bản ghi nhớ. Nhưng bà cũng nhắc lại sự hiện diện của lực lượng Biên phòng Australia trong khu vực.

Về phần mình, Winggu cho rằng cộng đồng của ông cần được tham vấn về các kế hoạch liên quan tới khu liên hợp. Dù vậy, vị Thị trưởng Daru thừa nhận rất khó có thể cưỡng lại những lời hứa hẹn về phát triển kinh tế trên hòn đảo đang ngày càng xuống cấp này.

"Khi các quốc gia như Trung Quốc tới, chúng tôi có thể miễn cưỡng chấp nhận vì họ cung cấp một số hình thức việc làm. Họ cũng có thể phát triển một số cơ sở hạ tầng mà chúng tôi cần", ông Winggu nói. 

Winggu cho biết Daru rất nghèo.

“Thị trấn đang xuống cấp, thiếu thốn cơ sở hạ tầng, không có chợ… rất nhiều thứ không có trật tự. Người dân thiếu việc làm, không có tiền mặt luân chuyển. Vì vậy cuộc sống ở đây gần như một xã hội không tiền mặt", ông chia sẻ.  

Daru nằm ngoài bờ biển phía của Papua New Guinea trên eo biển Torres, chỉ cách cách lục địa Australia 200km. (Ảnh: ABC News)

Daru cũng là một "quả bom hẹn giờ" khi nhắc tới các vấn đề sức khỏe.

"Người dân của chúng tôi mắc bệnh tả, bệnh lao, chúng tôi mắc đủ thứ bệnh", ông nói. 

Vị thị trưởng kêu gọi chính phủ Australia và Papua New Guinea đầu tư nhiều hơn vào Daru.

"Daru cần được nâng cấp và xây dựng lại, phục hồi để chúng tôi có thể ứng phó với các vấn đề liên quan đến biên giới. Đó là nỗi trăn trở của tôi nhiều năm nay", ông cho hay.

Việc ký kết biên bản giữa Trung Quốc và Papua New Guinea diễn ra chỉ năm tháng sau khi Trung Quốc cho phép quốc đảo Thái Bình Dương xuất khẩu trực tiếp sản phảm thủy, hải sản sang thị trường đông dân nhất thế giới thay vì chuyển qua Hong Kong hoặc Singapore. 

Nhiều chuyên gia Australia bày tỏ nghi ngờ về khả năng xây dựng cơ sở chế biến cá của Trung Quốc trên Daru. 

Chuyên gia Graeme Smith tới từ Đại học Quốc gia Australia (ANU), cho rằng “còn quá sớm để nói về dự án ở đảo Daru". 

"Các biên bản ghi nhớ giữa Trung Quốc và Papua New Guinea thường xuyên được ký kết, nhưng các dự án hiếm khi thành hiện thực. Có rất nhiều biên bản được ký kết xoay quanh khai thác mỏ và thủy sản, lâm nghiệp. Nhưng tín hiệu tốt là chưa có biên bản nào trong số này đi đến kết quả", ông Smith nhận định. 

Vị chuyên gia cũng đặt nghi vấn về việc liệu công ty đứng sau thỏa thuận - Fujian Zhonghong Fishery có đủ kinh nghiệm thực hiện dự án hay không. 

"Công ty này mới chân ướt chân ráo tới Papua New Guinea và đang bắt đầu khởi nghiệp với một dự án trên 200 triệu USD đầy tham vọng. Những phức tạp xung quanh dự án này đòi hỏi sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương", ông này nói, nhắc lại việc Trung Quốc từng đầu tư vào một dự án đánh bắt khác ở phía bắc Papua New Guinea nhưng không mang lại kết quả. 

Trung Quốc nhiều năm qua tìm cách gia tăng quan hệ với Papua New Guinea - đảo quốc lớn nhất ở Thái Bình Dương.

Ảnh vệ tinh cho thấy đội tàu cá Trung Quốc tập trung đông đảo ở quần đảo Galápagos, ngoài khơi Ecuador. (Ảnh: OCEANA)

Trong tuyên bố công bố biên bản ghi nhớ, Đại sứ Trung Quốc tại Papua New Guinea Bing Xue cho biết hợp tác trong nghề cá giữa hai nước đang phát triển nhanh chóng. Nhà ngoại giao Trung Quốc tin thỏa thuận trên sẽ giúp nâng cao khả năng của đảo quốc Thái Bình Dương trong việc phát triển và sử dụng toàn diện các nguồn thủy sản.

Trong khi đó, người đứng đầu Hiệp hội Công nghiệp Đánh cá của Papua New Guinea Sylvester Pokajam bày tỏ quan ngại về hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc trên phạm vi rộng hơn.

"Tôi lo ngại về tài nguyên biển của chúng tôi ở đó. Mối quan tâm của tôi là về tính bền vững và an ninh lương thực của người dân", ông Pokajam nói, thừa nhận Papua New Guinea không đủ nguồn lực để giám sát việc đánh cá của các nước khác. 

Theo Guardian, khu liên hợp mà Trung Quốc dự định xây dựng làm dấy lên lo ngại về việc các tàu Trung Quốc sẽ tận dụng nơi này để triển khai hoạt động đánh bắt cá trái phép, tận diệt trên eo biển Torres. Điều này đe dọa tới ngành công nghiệp của cả Australia và Papua New Guinea. 

Theo Hiệp ước eo biển Torres, Australia và Papua New Guinea được phép đánh bắt cá trong một khu vực chung được gọi là "vùng được bảo vệ", nằm giữa vùng đánh cá của hai nước.

Bên trong khu vực của Australia, tàu cá của Papua New Guinea có thể đánh bắt 25% sản lượng tôm hùm nhiệt đới và 40% cá thu Tây Ban Nha. Tuy nhiên tới nay, Papua New Guinea vẫn chưa khai thác hết hạn ngạch này. 

Nhưng biên bản mới đây có thể khiến Trung Quốc triển khai các tàu cá gắn cờ Papua New Guinea. Trong trường hợp đó, biên phòng Australia sẽ rất khó phân biệt tàu cá nào thực sự là của Papua New Guinea, tàu nào do Trung Quốc quản lý.

"Nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới ngành đánh cá của chúng tôi", Warren Entsch - nghị sĩ Đảng Tự do của Australia nêu quan ngại. 

Theo ông Entsch, cần đặt ra câu hỏi về mối quan tâm thực sự của Trung Quốc đằng sau kế hoạch này nếu nhìn vào những gì Bắc Kinh đã làm ở những nơi khác trên Thái Bình Dương. 

Trong nhiều năm qua, đội tàu cá của Trung Quốc trở thành nỗi ám ảnh với nhiều ngư trường trên thế giới với kiểu đánh bắt tận diệt. Ở gần quần đảo Galápagos, ngoài khơi Ecuador, đội tàu cá Trung Quốc gồm 300 tàu đánh bắt tới 73.000 giờ chỉ trong vỏn vẹn tháng 8, thu về hàng nghìn tấn mực và cá.

Đội tàu cá Trung Quốc cũng thường xuyên bị cáo buộc liên quan đến các hoạt động xâm phạm quyền tài phán trên biển, sử dụng giấy tờ đánh bắt và cấp phép giả, cưỡng ép lao động trên tàu.

Thậm chí trong nhiều trường hợp, các đội tàu cá này còn được hộ tống bởi các tàu chở dầu để cấp nhiên liệu và các tàu chế biến tiếp nhận trực tiếp số hải sản đánh bắt được. 

Trung Quốc là nước có đội tàu đánh bắt xa bờ đông đảo nhất thế giới với gần 17.000 tàu, trong đó có 1.000 tàu đăng ký ở nước ngoài.

Song Hy

Tin mới