Đó là những chia sẻ của đạo diễn Việt Tú về cuộc thi “Sáng tạo nhân vật cổ tích phiên bản Việt” mà anh nhận lời trở thành thành viên Ban Giám khảo.
- Lý do nào để anh nhận lời làm giám khảo cuộc thi “Sáng tạo các nhân vật cổ tích phiên bản Việt” của VinWonders?
Hệ thống công viên chủ đề VinWonders đặt mục tiêu đưa ngành công nghiệp giải trí Việt Nam vươn tầm quốc tế. Tôi mong đợi, nơi đây sẽ là một “vũ trụ mới” cho nhân vật cổ tích thế giới và vừa thể hiện được đặc tính “Make in Việt Nam” vì đây cũng chính là cơ hội cho những nhà sản xuất nội dung “Made in Việt Nam” như tôi.
Nếu thế giới đã có Disney Land, Universal, Việt Nam sẽ có “vũ trụ cổ tích mới” mang tên VinWonder. Đó là điều VinWonder muốn làm và khát vọng lớn của họ đã thuyết phục tôi. Bên cạnh đó, với vai trò là Tổng đạo diễn của Tata Show tại Nha Trang, tôi cũng cũng muốn đồng hành với VinWonders để tìm ra những hình mẫu nhân vật mới mẻ và thú vị để tiếp tục đưa vào các phiên bản sau của Tata Show. Đó là lý do tôi nhận lời làm ban giám khảo cuộc thi này.
- Vậy theo anh, liệu có “định mức” sáng tạo để vẫn giữ “chất cổ tích” vốn có, đồng thời vẫn tạo được sự tươi mới, bản sắc Việt như tiêu chí của cuộc thi?
Đã là sáng tạo thì tôi quan niệm không có giới hạn hay tiêu chí áp đặt nào cả. Điều quan trọng của tác phẩm dự thi trước tiên là phải thuyết phục được những thành viên trong Ban Giám khảo về sự độc đáo, nét riêng biệt sáng tạo trong ý tưởng của mình. Và cuối cùng, để sáng tạo được đánh giá thành công thì nhân vật đó sẽ phải “sống” được trong đời thực, nghĩa là hiện thực từ bản vẽ tới các hình tượng thật trong cuộc sống và được du khách yêu thích.
- Là một đạo diễn nổi tiếng gắn tên tuổi với rất nhiều dự án “văn hóa Việt”, anh nghĩ “chất Việt” sẽ được phát huy như thế nào ở cuộc thi này?
Thực tế, không nên câu nệ rằng nhất thiết phải bê nguyên chất dân tộc vào trong các sáng tạo thì mới tạo ra cái gọi là “văn hoá Việt”. Giữ lấy nền tảng văn hoá có nhiều cách làm, một trong những cách đó là làm mới.
Phong cách nghệ thuật tôi theo đuổi trong những năm qua được gọi là “Modern Traditional” (Chủ nghĩa Dân tộc hiện đại). Xuất phát điểm của phong cách này là từ cuộc gặp gỡ giữa tôi và Tan Dun - nhà soạn nhạc phim người Châu Á đoạt giải Oscar tại New York. Tôi có hỏi với ông như thế nào được gọi là bản sắc dân tộc? Tan Dun nói: “Traditional is the world” (Dân tộc chính là nhân loại). Chính câu nói này đã mở cho tôi cánh cửa đến những vùng đất của sáng tạo như ngày hôm nay.
- Đối tượng tham gia cuộc thi này gần như không có giới hạn tuổi khi bao gồm tất cả các bạn nhỏ từ 7 tuổi trở lên cho tới những nghệ sỹ, họa sỹ chuyên nghiệp. Ban tổ chức kỳ vọng như thế nào về các tác phẩm từ thí sinh?
Với cách làm này sẽ mở ra cơ hội cho tất cả, với các em sẽ cơ hội được thỏa sức sáng tạo. Sự tưởng tượng của trẻ thơ là không giới hạn, với nhãn quan riêng các em không cần biết điều đó có thực tế hay không, với người làm sáng tạo như tôi đó là điều thú vị để chờ đợi.
Nhóm thí sinh còn lại được chúng tôi kỳ vọng rất nhiều về những gương mặt mới, với ý tưởng tạo hình nhân vật khác biệt so với phần còn lại. Họ cần nhìn nhận cuộc thi này như một cơ hội để thể hiện tài năng của mình với một thị trường được dự đoán là vô cùng tiềm năng trong thời gian ngắn sắp tới đây.
Lời khuyên của tôi: Sẽ tốt hơn nếu các thí sinh có những tìm tòi và hiểu biết về lịch sử nghệ thuật, lịch sử tạo hình nhân vật cổ tích. Chúng ta cần hiểu đằng sau những nhân vật quen thuộc này là cả những triết lý về nhân sinh quan, thế giới quan mà nhà sáng tạo muốn gửi gắm. Làm được điều đó thì mỗi tạo hình nhân vật đều có ý nghĩa, nhân vật sẽ tồn tại vững bền.
- Bên cạnh giá trị giải thưởng, theo anh, yếu tố nào làm nên sức hấp dẫn của cuộc thi này?
Bắt đầu trong đúng giai đoạn giãn cách xã hội vì Covid-19, khi cánh cửa giao tiếp với xã hội phải khép lại thì cuộc thi “Sáng tạo các nhân vật cổ tích phiên bản Việt” của VinWonder đã mở ra một “thế giới mới”, mở cửa tâm hồn và trí tưởng tượng của mỗi người.
Bên cạnh việc được nhận những giải thưởng vật chất, theo tôi điều giá trị nhất chính là các bạn thí sinh đang chung tay tạo nên một “vũ trụ mới” cho những nhân vật cổ tích “Make in Vietnam”. Các nhân vật biểu tượng mà họ sáng tạo sẽ hiện diện trên toàn bộ hệ thống công viên chủ đề lớn nhất Việt Nam. Đó là điều thực sự ý nghĩa.
- Xin cảm ơn anh!
Cuộc thi “Sáng tạo các nhân vật cổ tích phiên bản Việt” do thương hiệu công viên vui chơi giải trí VinWonders tổ chức, diễn ra từ ngày 12/4 đến hết ngày 15/5/2020. Thí sinh dự thi gồm 2 nhóm tuổi: Nhóm trẻ em (độ tuổi từ 7-15) và Nhóm người lớn (từ 15 tuổi trở lên) với cơ cấu 10 giải thưởng có tổng giá trị lên tới 370 triệu đồng.
Để biết thêm thông tin về cuộc thi tạo hình hệ thống nhân vật cổ tích phiên bản Việt, thí sinh truy cập vào fanpage VinWonders & Safari hoặc tham khảo tại: http://cloud.vinpearl-news.com/sangtaonhanvatcotich.