Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đạo diễn Trần Lực: ‘Các vở diễn giống nhau quá khiến khán giả nhàm chán’

Trong suốt 20 năm làm điện ảnh, đạo diễn Trần lực xem sân khấu ở mọi nơi và nhận thấy một điều các vở diễn làm giống nhau quá khiến khán giả nhàm chán.

 Với niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng và khát vọng đổi mới ngôn ngữ sân khấu kịch, đạo diễn Trần Lực cùng thế hệ học trò, những diễn viên trẻ đầy tài năng, đã kết hợp nhuần nhuyễn, đầy sáng tạo các thể loại ngôn ngữ trình diễn hiện đại nhất trên thế giới để tạo nên một giọng điệu hoàn toàn mới cho ngôn ngữ kịch nói Việt Nam hiện đại - ngôn ngữ biểu hiện ước lệ.

Chia sẻ tại buổi ra mắt đoàn kịch LucTeam, NSƯT Trần Lực nói: “LucTeam là một đoàn kịch của thầy và trò. Tôi là Thầy – Trần Lực và học trò của tôi - những nghệ sỹ trẻ tuổi. Chúng tôi thành lập nên đoàn kịch này vì thầy trò có chung một chí hướng và khát khao chinh phục nghệ thuật đỉnh cao và phương pháp nghệ thuật của đoàn kịch LucTeam là sân khấu ước lệ”.

 

Không phải ngẫu nhiên Trần Lực chọn Cơn ghen của Lọ Lem là tác phẩm mở màn giới thiệu đoàn kịch Luc Team. Bằng hình thức thể hiện mới, Trần Lực gọi đoàn kịch của mình là “sân khấu ước lệ”.

Trần Lực, một diễn viên, đạo diễn thành công trong điện ảnh không phải một ngày đẹp trời quay sang làm đạo diễn sân khấu và thành lập đoàn kịch. Tình yêu với sân khấu của anh được hun đúc từ nhỏ.

Cha của Trần Lực là Giáo sư, NSND Trần Bảng, một tác giả, nhà lý luận, đạo diễn của sân khấu chèo, và mẹ là diễn viên chèo Trần Thị Xuân.

Sinh ra và lớn lên tại khu tập thể nghệ sĩ tuồng, chèo, hàng ngày được nghe tiếng trống, điệu hát của hai loại hình nghệ thuật này, nên tinh thần ước lệ và phương pháp biểu diễn theo trường phái biểu hiện (vốn có trong nghệ thuật sân khấu tuồng, chèo) đã ngấm vào NSƯT Trần Lực.

Trong quá trình 8 năm tu nghiệp tại Bulgaria để theo học về đạo diễn sân khấu, mặc dù được học theo phương pháp hiện thực tâm lý, nhưng Trần Lực đam mê và bị cuốn hút vào hiện thực ước lệ.

“Tôi quay lại với sân khấu, vì nhiệt huyết với sân khấu của tôi lúc nào cũng sôi chảy” - Trần Lực nói.

 

Được truyền cảm hứng bởi những bài giảng, quan điểm của Vsevolod Meyerhold về sân khấu ước lệ, Trần Lực đã khao khát lập nên một đoàn kịch theo trường phái hiện thực ước lệ. Sau nhiều tâm huyết nghiên cứu, sáng tạo và luyện tập, đoàn kịch LucTeam đã được thành lập với những diễn viên mà tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ, được NSƯT Trần Lực trực tiếp đào tạo ngay từ những năm đầu anh đi dạy diễn xuất.

Với sức trẻ, sự sáng tạo và bền bỉ trong luyện tập cùng sự đào tạo bài bản, đòi hỏi khắt khe của đạo diễn Trần Lực, các diễn viên của LucTeam đã đạt tới sự hoàn thiện về nghệ thuật biểu diễn bằng các bài tập chuyên sâu về giải phóng hình thể, giải phóng cơ sinh lý, sắc thái biểu cảm, khả năng tương tác với công chúng.

Trong suốt 20 năm làm điện ảnh, đi đâu Trần lực cũng xem sân khấu và nhận thấy một điều “các vở diễn làm giống nhau quá”. 

Trong suốt 20 năm làm điện ảnh, đi đâu Trần lực cũng xem sân khấu, và nhận thấy một điều: “các vở diễn làm giống nhau quá”.

Sân khấu kịch Việt Nam trong gần một thế kỷ nay ứng dụng hệ kịch hiện thực tâm lý (theo lý thuyết Stanislapski). Hình thức này đã có nhiều tác phẩm giá trị, đạt tới thời kỳ đỉnh cao tại Việt Nam những năm 1970 -1980.

Cũng bởi hình thức kịch này rất hay, đạt tới đỉnh cao nên sân khấu nào cũng áp dụng. “Chúng ta đều làm theo phương pháp hiện thực tâm lý, nó rất hay, nhưng làm giống nhau thì sẽ khiến khán giả nhàm” - Trần Lực nói.

Trích đoạn 'Cơn ghen của Lọ Lem' của Luc Team.

Trần Lực tin tưởng trong thời đại ngày nay, dù đã bị điện ảnh, các gameshow truyền hình lấy mất khán giả, nhưng sân khấu vẫn có sức hấp dẫn riêng. Anh cũng tin, sân khấu bị lấy mất khán giả còn bởi lý do các tác phẩm đang được làm quá nhàm chán.

Bởi thế, Trần Lực làm những vở kịch theo lối khác, dựng nên một hình thức mà anh gọi là kịch ước lệ. Để tạo nên những vở diễn ấy, Trần Lực cùng 12 diễn viên (vốn là những sinh viên trong trường Sân khấu Điện ảnh mà Trần Lực dạy trước đây) lập nên sân khấu Luc Team.

Muốn diễn được kịch theo lối ước lệ, các diễn viên phải trải qua một khóa học giải phóng cơ thể.

Đây vốn là khóa học của các diễn viên xiếc, thường áp dụng cho diễn viên nam lúc 8 tuổi, diễn viên nữ lúc 12 tuổi.

Diễn viên Phương My chia sẻ đã phải trải qua những ngày tập “cực kỳ đau đớn, ngày nào cũng nước mắt ròng” khi muốn giải phóng cơ thể. Sau đó, các diễn viên tiếp tục trải qua các khóa học sâu hơn, giải phóng cơ sinh lý… Các khóa học này giúp diễn viên sử dụng hình thể để diễn theo lối ước lệ được tốt hơn.

Trước câu hỏi tình hình sân khấu kịch tại Hà Nội ảm đảm, không có khán giả, Trần Lực rất tự tin với vở diễn của mình. Anh kỳ vọng: “Chúng tôi muốn làm ra một cái gì đó mới, hấp dẫn, quyến rũ, và tự tin sẽ quyến rũ được lớp trẻ”.

Tối 23/11, NSƯT Trần Lực cùng đoàn kịch do anh sáng lập - Lucteam - công diễn vở Cơn ghen của Lọ Lem tại Nhà hát Chèo Việt Nam. 

 

 

Hiện tại, đoàn kịch của Trần Lực đã hoàn thiện ba kịch bản là “Cơn ghen của Lọ Lem” mang hình thức hài kịch, “Quẫn” mang hình thức bi kịch, và “Bà Triệu” với hình thức thể hiện bi tráng. Những vở diễn này sẽ lần lượt được công diễn trong thời gian tới.

Tác phẩm được lựa chọn công diễn đầu tiên “Cơn ghen của Lọ Lem” vào 23/11/2017.

Cơn ghen của Lọ Lem là tác phẩm nổi tiếng thế kỷ 17 của kịch gia người Pháp Moliere. Xã hội tiểu thị dân nước Pháp qua ngòi bút của Moliere hiện lên với những con người kệch cỡm, đạo đức giả, gia trưởng và lố bịch.

Mở đầu đêm kịch, nghệ sĩ Trần Lực cùng tập thể diễn viên chào màn bằng khúc nhạc chế sôi động do anh tự viết lời. Trần Lực cùng Lucteam đã biến câu chuyện của nước Pháp 500 năm trước thành câu chuyện Việt Nam đương đại. Đạo diễn mang lên sân khẩu những mâu thuẫn gia đình, sự kiện nóng của xã hội, thói giả dối và sĩ diện rởm đời.

 

Khi xây dựng Cơn ghen của Lọ Lem, tuyến nhân vật với những nét tính cách đặc trưng được NSƯT Trần Lực giữ nguyên theo tác phẩm gốc của Moliere. Ba nhân vật chính là chàng Lọ Lem, cô vợ Galic và ông tiến sĩ.

Lọ Lem là ông chồng ghen tuông, trưởng giả, luôn bắt cô vợ Galic phải phục tùng nguyện vọng, sở thích của mình. Galic có đời sống tình cảm phức tạp khi cô ngoại tình và mộng mơ về tình yêu vĩnh cửu.

Tuy nhiên, những lúc ở bên Lọ Lem, cô luôn chứng tỏ cho anh thấy uy quyền, vị thế của người làm chủ gia đình, hay dọa nạt chồng. Ông tiến sĩ trong vở kịch giữ vai trò hòa giải những xung đột gia đình. Nhân vật là kẻ háo danh, khoe khoang chức vụ, bằng cấp và luôn bắt mọi người phải gọi bằng danh xưng doctor.

Khác với tác phẩm hài kịch truyền thống, Cơn ghen của Lọ Lem do Trần Lực dàn dựng không chú trọng xây dựng tình huống để gây cười cho khán giả. Tiếng cười bật lên từ những chi tiết nhỏ, giọng nói hóm hỉnh, lối diễn tung hứng của nhân vật. Tác phẩm cũng không phân hồi rõ ràng mà chỉ có các lớp cảnh nối tiếp nhau trên sân khấu theo mạch của câu chuyện. Sự hài hước, náo nhiệt được các diễn viên kéo dài đến cuối tác phẩm.

Vào cuối năm 2016, LucTeam đã giành được nhiều giải thưởng danh giá khi lần đầu đưa vở “Quẫn” đi tham dự Liên hoan sân khấu Thủ đô. Trong đó, thành viên Trương Mạnh Đạt giành Huy chương vàng Liên hoan sân khấu Thủ đô lần 2 tháng 11/2016; Nguyễn Ngọc Trâm – Huy chương bạc Liên hoan sân khấu Thủ đô lần 2 tháng 11/2016; Nguyễn Phương My – Huy Huy chương bạc Liên hoan sân khấu Thủ đô lần 2 tháng 11/2016.

Đạo diễn Trần Lực được trao giải Đạo diễn xuất sắc nhất Liên hoan.

“Quẫn” giành Huy chương bạc cho vở diễn toàn Liên hoan. Những thành quả này là động lực to lớn giúp LucTeam tiếp tục vững bước trên con đường xây dựng nên trường phái nghệ thuật của riêng mình.

Minh Đức

Tin mới