Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đạo diễn Ngô Quang Hải: Nhà làm phim Việt nói xấu, tố cáo nhau như hàng tôm hàng cá

Đạo diễn Ngô Quang Hải thẳng thắn: "Các nhà làm phim Việt suốt ngày nói xấu, tố cáo nhau, như vậy là rất dở hơi, như phường hàng tôm hàng cá".

Đạo diễn Ngô Quang Hải, người từng thử sức với nhiều phim nghệ thuật lẫn giải trí, mang về thành công rất lớn với Chuyện của Pao đã có những chia sẻ thẳng thắn về thực trạng nền điện ảnh Việt.

- Là người có 30 năm kinh nghiệm trong ngành điện ảnh, từng thử sức với những phim nghệ thuật lẫn giải trí, anh có nhận xét gì về nền điện ảnh Việt Nam những năm gần đây?

Những năm vừa qua, Việt Nam đang hội nhập với thế giới. Ngành điện ảnh cũng hoà chung dòng chảy này và phát triển theo chiều hướng đi lên, dựa trên sự phát triển của kinh tế và nhận thức xã hội.

Có thể nói, thị trường đang bùng nổ, không chỉ ở lĩnh vực điện ảnh. Khán giả Việt có nhiều cơ hội thưởng thức những bộ phim nước ngoài, và người làm phim cũng được tiếp cận với những kỹ thuật làm phim mới. Điều này làm nên một thị trường điện ảnh đang cực kỳ sôi động.

- Với một thị trường phát triển nhanh, dù ở ngành nghề nào thì ắt hẳn sẽ tiềm ẩn cả cơ hội lẫn thách thức. Anh nghĩ người làm phim Việt đang đối mặt với điều gì?

Tôi nghĩ cơ hội thì có rất nhiều. Số lượng các rạp chiếu phim tăng lên nhanh chóng. Cùng với đó là số lượng và độ tuổi người đi xem phim ngày càng mở rộng.

Các khán giả Việt, tuy có mức thu nhập thấp so với mặt bằng chung của Châu Á nhưng vẫn bỏ số tiền gần bằng những nước phát triển như Singapore để đến rạp mua vé ủng hộ phim Việt. Ở đây có thể thấy được sự ủng hộ lớn đến cỡ nào.

Tuy nhiên, tôi thấy thách thức lớn nhất vẫn là chất lượng của những bộ phim nội địa vẫn chưa bắt kịp khiếu thưởng thức ngày một tốt lên của khán giả Việt.

Đạo diễn Ngô Quang Hải

- Phim Việt năm vừa qua ra rạp ồ ạt nhưng thiếu sản phẩm chất lượng, số lượng phim “chết” vẫn rất nhiều. Anh nghĩ sao về vấn đề này?

Có hai nguyên nhân: tốc độ phát triển của thị trường và sự mất định hướng của các nhà làm phim. Nếu ví những người xem phim là những hành khách, còn những nhà làm phim là tài xế, thì những nhà làm phim Việt đang mất lái với vận tốc rất nhanh. Mà đã mất lái thì tai nạn chắc chắn xảy ra.

Năm vừa qua, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu hơn 90% các phim Việt ra rạp đều huề hoặc lỗ, hoặc không dám nhận là lỗ để giữ gìn tên tuổi. Quá nhiều kịch bản non nhưng vẫn đẩy lên để làm phim. Điều này làm cho những người làm phim chân chính, sáng tạo thực sự hoang mang vì những giá trị bị lẫn lộn.

Nhưng tôi nghĩ họ không nên quá lo lắng. Ví dụ như bộ phim với kinh phí thấp của tôi là Chuyện của Pao đã bán được hàng trăm nghìn USD ở các thị trường nước ngoài. Tôi nghĩ đây là một con số không nhỏ.

- Vậy theo anh, vấn đề lớn nhất nằm ở đâu?

Tôi vẫn thường nói với các bạn của mình, rằng tốc độ phát triển của thị trường nhanh hơn tốc độ phát triển của con người, đây là một nghịch lý. Bởi lẽ số người làm phim tăng theo cấp số nhân, nhưng các nhà làm phim vẫn chưa cập nhật những kỹ thuật và xu hướng làm phim mới. Họ chắc chắn sẽ bị dòng chảy điện ảnh bỏ lại.

 
Các nhà làm phim Việt suốt ngày nói xấu, tố cáo nhau, như vậy là rất “dở hơi”, như phường hàng tôm hàng cá.

Đạo diễn Ngô Quang Hải

Các nhà làm phim Việt cũng không cùng nhau xây dựng một nền điện ảnh văn minh, tiến bộ. Họ suốt ngày nói xấu, tố cáo nhau, như vậy là rất “dở hơi”, như phường hàng tôm hàng cá. Nếu cứ lên báo là thấy cảnh họ cãi vã, chê bai nhau, người tiêu dùng khi nhìn vào những điều đó sẽ thấy phản cảm.

Với những người trẻ, họ vẫn thiếu định hướng và đang “mò mẫm”, nhảy từ bụi rậm này sang bụi rậm khác để tìm kiếm điều gì đó cho mình. Thế nên mới có chuyện cứ có dạng phim nào ăn khách là sẽ có rất nhiều người đua nhau sản xuất. Đây là cách làm phim rất “ăn xổi”.

Đạo diễn Việt Nam thì tôi không nói, nhưng các đạo diễn Việt kiều về nước tưởng chừng sẽ đem về một luồng gió mới thì lại copy phim nước ngoài rất nhiều vì tâm lý “cũ người mới ta”.

Woody Allen đã nói: “Người nghệ sĩ tốt thì sao chép, nhưng người nghệ sĩ lớn, họ ăn cắp”. “Ăn cắp” ở đây là biến cái của người khác thành cái của mình. Cái dở của nhiều phim Việt những năm gần đây là chỉ “sao chép” chứ không “ăn cắp”.

Chuyện của Pao - một sản phẩm đáng tự hào của Ngô Quang Hải.

- Nguyên nhân của vấn nạn “sao chép” này là gì, thưa anh?

Tôi nghĩ kịch bản là vấn đề lớn nhất. Những người bạn tôi ở Hollywood, có những người kiếm sống bằng nghề thẩm định kịch bản. Ví dụ như ở liên hoan phim Sundance, họ phải đọc hàng ngàn ý tưởng kịch bản để lọc ra hơn 200 kịch bản. Sau đó lại tiếp tục đọc để chọn ra một kịch bản duy nhất để làm phim. Tỷ lệ đào thải này rất tàn khốc.

Còn ở Việt Nam, đôi khi mọi người copy đâu đó một vài ý tưởng, bàn tán, “tự sướng” với nhau rồi đưa lên làm phim.

Có những người viết được 3,4 kịch bản rồi tìm nhà đầu tư theo kiểu góp “mì tôm, nước mắm”, cùng làm phim và cùng “trả tiền học phí” vào nghề. Tôi cho rằng với xác suất đó, khó có thể nào làm được một sản phẩm tốt với cách làm việc như vậy.

- Ngoài những vấn đề nêu trên, các nhà sản xuất phim Việt còn phải đương đầu với những thử thách nào nữa, thưa anh?

Tôi nghĩ thách thức lớn nhất là vấn đề người sở hữu những hệ thống rạp phim lớn nhất là nước ngoài. Họ chắc chắn sẽ có sự ưu tiên nhất định cho những bộ phim của nước mình vì yếu tố truyền bá văn hoá.

Các nhà phát hành Việt cũng nhập nhiều phim ngoại vì số tiền đầu tư không nhiều, do họ mua lại theo những nước thứ ba. Đây cũng là một thách thức lớn cho phim Việt giữa một thị trường mà ngày càng nhiều món ăn được bày ra trước mắt khán giả.

 

- Anh có lời khuyên nào cho thế hệ kế cận mình trong ngành công nghiệp điện ảnh?

Tôi bước chân vào lĩnh vực này với một tình yêu, nhưng tôi nhận ra nếu có tình yêu không thôi thì chưa đủ, chúng ta còn cần cả kinh tế nữa. Những người làm phim trẻ có cố gắng tìm tòi, nhưng vẫn bị “gà mắc tóc” vì thiếu sự định hướng và đầu tư cả về vật chất lẫn tinh thần.

Tôi mong trong tương lai sẽ có những “mạnh thường quân” thực sự văn minh, hiểu biết, và có tâm, muốn ngăn cản sự xâm lấn của những nền văn hoá ngoại lai vào giới trẻ Việt sẽ đầu tư, gieo mầm ươm cho thế hệ trẻ sản xuất ra những sản phẩm dành riêng cho người Việt.

- Cám ơn anh về những chia sẻ.

Video: Trailer phim "Chuyện của Pao"

Phúc Hải

Tin mới