Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đạo diễn 'Đất và người': Phim Việt làm càng nhiều càng dở

"Phim Việt trở thành thứ hổ lốn với đủ các yếu tố trinh thám, đánh đấm, hài nhảm, kinh dị, chân dài...cái nào cũng có mặt".

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, “cha đẻ” của các bộ phim Em còn nhớ hay em đã quên (phóng tác từ những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, có sự tham gia của Lê Tuấn Anh – Thu Hà), Bản tình ca trong đêm,… các phim truyền hình như Gió làng Kình, Ma làng, Đất và người….; giảng viên dạy lớp đạo diễn - Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh đã có những chia sẻ thẳng thắn với VTC News về thực trạng điện ảnh Việt hiện nay.

 Fan cuồng - thất bại thảm hại về doanh thu dù nó được thực hiện bởi ê-kíp Charlie Nguyễn, Thái Hòa, và Johny Trí Nguyễn

- Trong những năm gần đây, số lượng phim Việt liên tục tăng. Năm 2015, có hơn 30 được ra rạp. Năm 2016, có khoảng gần 45 phim được giới thiệu với công chúng. Ông nhận định thế nào về thị trường phim Việt?

Hiện tại, chúng ta có nhiều hãng phim, hầu hết là của tư nhân (các đơn vị sản xuất phim nhà nước đã và đang cổ phần hoá). Luật Điện ảnh mở rộng điều kiện cho các nhà làm phim thuộc mọi thành phần vì vậy phim Việt ngày càng nhiều, ganh đua nhau giành khán giả. Số lượng rạp chiếu phim hiện đại, tiêu chuẩn cao liên tục tăng. Môi trường điện ảnh mới có vẻ như rất nhộn nhịp, vui vẻ...

Tuy nhiên, chất lượng phim luôn là điều đáng bàn. Mỗi năm cũng chỉ có vài bộ phim có chất lượng thành công, cả về doanh thu mà và chất lượng nghệ thuật. Nhưng càng nhiều người/cơ sở  làm phim làm phim, lại càng có nhiều phim dở.

Họ làm phim để có doanh thu bán vé nên cố chạy theo thị hiếu khán giả (nhưng cũng chưa có ai, công trình điều tra nghiên cứu thực sự nào về vấn đề thị hiếu này, nên mỗi người/nhà sản xuất lại có cách đoán định khác nhau).

Kết quả, họ sản xuất những bộ phim chỉ mang tính giải trí, đơn điệu, hài hước (có thể gọi là “hài nhảm”) với sự góp mặt của một số diễn viên, danh hài nào đó có khả năng lôi kéo khán giả, lấy doanh thu.

Thế nhưng cuộc sống liên tục thay đổi, khán giả mua vé vào rạp đã có những yêu cầu khác. Những bộ phim giải trí rẻ tiền, nhảm nhí không còn được chấp nhận như trước nữa nhưng các nhà làm phim thì chưa kịp thay đổi hoặc thay đổi theo chiều hướng dễ dãi nên cũng chưa có phim hay.

Nhiều phim được đầu tư lớn nhưng lại thiếu tính chuyên nghiệp. Phim đủ mọi chiêu trò nhưng chỉ riêng việc kể một câu chuyện cho rành rọt, hấp dẫn cũng không làm được.

Hài nhảm từng thống trị thị trường phim Việt 

- Theo ông, đâu là khâu yếu nhất ở các phim Việt?

Về phương tiện, thiết bị hình ảnh, âm thanh chúng ta đã được đầu tư khá hơn trước rất nhiều, nhưng về nghề nghiệp, nhất là khâu sáng tác kịch bản còn yếu quá. Không phải chúng ta không có những nhà biên kịch giỏi, nhưng bây giờ, kịch bản viết ra phải được chuyển qua tay các nhà đầu tư, các nhà sản xuất, nhà phát hành để họ tham khảo, đóng góp ý kiến.

 

Phim Việt trở thành thứ hổ lốn với đủ các yếu tố trinh thám, đánh đấm, hài nhảm, kinh dị, chân dài...cái nào cũng có mặt.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần

Những người này sẽ yêu cầu cắt chỗ này, thêm chỗ kia, thay đổi đủ thứ với mục đích hút được càng nhiều khán giả nhất (nhưng cũng chỉ theo quan niệm của họ chứ không có dữ liệu để đoàn trước thị trường).

Đến khi sửa vừa ý các nhà này thì kịch bản không còn là sáng tạo cá nhân của ai nữa mà trở thành một thứ rất kinh khủng. Tác giả kịch bản trở thành "thợ viết" theo những yêu cầu không chuyên nghiệp.

Phim Việt trở thành thứ hổ lốn với đủ các yếu tố trinh thám, đánh đấm, hài nhảm, kinh dị, chân dài...cái nào cũng có mặt.

Dòng phim nghệ thuật không còn chỗ đứng ở thị trường phim ảnh Việt Nam. Ở Hà Nội, TP HCM hiện nay không có một rạp, phòng chiếu nào giới thiệu các bộ phim dạng này.

Các nhà nhập khẩu cũng chỉ quan tâm đến phim giải trí, hiếu kỳ... vì nhập phim nghệ thuật - những phim được giải ở các Liên hoan phim lớn đi chăng nữa cũng thất thu phòng vé. 

"Vòng eo 56" - bộ phim Việt gây tranh cãi trong năm 2016

- Là người có thâm niên trong lĩnh vực làm phim, theo ông nguyên nhân của hiện tượng trên là vì đâu?

Nhiều người hỏi tôi, làm thế nào để có thể sản xuất, trình chiếu những bộ phim có chất lượng nội dung, nghệ thuật tốt hơn? Tôi thường hỏi lại họ, làm thế nào để chúng ta có khán giả tốt hơn?

Khi khán giả có nhu cầu cao họ sẽ từ chối những phim ba láp và đỏi hỏi các nhà sản xuất, nhập khẩu phim có phim chất lượng cao hơn...  Khi ấy, chắc chắn tự các nhà làm phim Việt Nam cũng phải lo nghĩ đến việc hoặc là rời bỏ ngành hoặc là tăng cường tính chuyên nghiệp cho mình.

Theo thống kê hiện nay, 70% khán giả tới rạp ở độ tuổi từ 16 - 25. Và đã thành thói quen, lớp khán giả này đi xem phim chỉ để giải trí, để có tiếng cười vui vẻ, cảm giác mạnh... chứ không phải để tìm hiểu, suy ngẫm một vấn đề nhân văn, xã hội nào đó. Khán giả lứa tuổi cao hơn ít khi đến rạp (họ chỉ đi xem những bộ phim nghệ thuật chiếu miễn phí trong những dịp nào đó).

Ở các nước có nền điện ảnh phát triển, Nhà nước rất quan tâm đến giáo dục điện ảnh cộng đồng, nâng cao hiểu biết và trình độ các tầng lớp khán giả hiện tại và tương lai.

Về vấn đề quản lý ngành, hội đồng thẩm định phim thật khó có cách nào để yêu cầu, bắt buộc, khuyến khích các nhà làm phim làm phim hay hơn. Nhà quản lý chỉ duyệt phim theo các tiêu chí luật pháp.

Những phim không vi phạm luật điện ảnh, luật pháp chung, không vi phạm thuần phong mỹ tục, tập quán và văn hóa dân tộc... chứ làm sao có thể làm biên tập, chỉ đạo nghệ thuật, buộc các nhà sản xuất làm phim hay hơn. Chính vì thế, có những phim dù chất lượng nghệ thuật không cao nhưng không vi phạm luật vẫn được ra rạp.

Có chuyện vui là nhà sản xuất gửi phim lên duyệt, họ gọi điện thoại hỏi: "Phim của em thế nào?", khi nhận được câu trả lời: "Hội đồng duyệt chê quá". Nhà sản xuất reo lên mừng rỡ: "Ôi, thế thì mừng cho em quá rồi... Hội đồng duyệt khen thì em đâu có khán giả”.

 "Tấm Cám - chuyện chưa kể": Một bộ phim được đầu tư lớn, nhiều tâm huyết của Ngô Thanh Vân nhưng chưa thực sự được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật

- Vậy làm cách nào để khắc phục những tồn tại đang có ở thị trường phim Việt?

Để giải quyết được vấn đề này, cần rất nhiều sự hỗ trợ của nhà nước, của xã hội, doanh nghệp...  để dần dần thay đổi thực trạng điện ảnh, làm cho điện ảnh tốt đẹp hơn, đó là nâng cao thị hiếu của khán giả.

Tôi lấy ví dụ, Hàn Quốc chỉ có hãng phim tư nhân nhưng nhà nước lại bỏ tiền, tổ chức các hoạt động giáo dục điện ảnh trong cộng đồng rất tốt. Ở trường học phổ thông, các tổ chức nghiệp đoàn, thậm chí ở các tổ chức cô dâu Việt, người ta cũng cho người tới dạy về điện ảnh, dạy công chúng cách tiếp cận, nhìn nhận, phân tích và đón nhận một tác phẩm điện ảnh.

Họ tạo ra một lực lượng khán giả có trình độ. Ngày xưa 85% người Hàn xem phim nước ngoài, còn bây giờ còn số này chỉ còn là 35%.

Nếu chúng ta có một lực lượng khán giả đủ trình độ để đưa ra những đòi hỏi nhất định với chất lượng các bộ phim, tự khắc, các nhà làm phim sẽ phải thay đổi, phim nhảm nhí sẽ không còn chỗ đứng trên thị trường.

Sau nữa là nhu cầu thành lập “Quỹ Điện ảnh” (vấn đề này đã được đặt ra từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa  có gì).

Ở nhiều nước trên thế giới, họ đều có những chính sách để hỗ trợ dòng phim nghệ thuật. Một trong số đó là quy định sự đóng góp của các nhà phát hành phim. Họ nhập phim nước ngoài về chiếu, có được doanh thu thì họ phải có nghĩa vụ đóng góp lại cho nền điện ảnh trong nước. Ngoài ra còn huy động ngân sách Nhà nước và thu hút sự ủng hộ của những người quan tâm đến sự phát triển điện ảnh dân tộc.

Trong năm vừa qua, doanh thu của các nhà phát hành phim nước ngoài ở Việt Nam vào khoảng 100 đến 150 triệu USD. Nếu các nhà phát hành  họ trích ra một số nhỏ trong đó, đóng góp vào quỹ Điện ảnh để quỹ này tài trợ cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu, thử nghiệm, hỗ trợ các nhà làm phim nghệ thuật... thì... chắc là chúng ta đã có những bước phát triển 

Trong phần tiếp theo của cuộc trò chuyện, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chia sẻ về xu hướng làm phim remake (những phim làm lại từ kịch bản nước ngoài ăn khách) và việc các đạo diễn Việt kiều về nước làm phim

Video Tấm Cám: Chuyện chưa kể liệu có xứng danh bom tấn của điện ảnh Việt?

Mộc Lan

Tin mới