TS Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) thông tin làm rõ một số điều chỉnh mới trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông.
Thứ nhất, dự thảo tăng cường kết hợp bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số. Việc đánh giá bằng nhận xét này không chung chung. Chúng ta sẽ đánh giá bằng những biểu hiện cụ thể về thái độ, hành vi, sản phẩm học tập của học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.
Việc kiểm tra đánh giá như vậy cũng sẽ đổi mới cách ra đề. Thay vì kiểm tra sự ghi nhớ kiến thức của học sinh chuyển sang đánh giá học sinh sử dụng kiến thức để giải quyết một nhiệm vụ học tập cụ thể nào đó.
Thứ hai, đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá như hỏi- đáp, thuyết trình, kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính. Đặc biệt chú trọng kiểm tra đánh giá thông qua các sản phẩm học tập, sản phẩm thực hành.
Việc đa dạng hoá các hình thức kiểm tra, đánh giá này hướng tới mục tiêu đổi mới quá trình dạy học và kiểm tra của giáo viên trong thực tế hiện nay. Số lần sử dụng các hình thức đánh giá thường xuyên không giới hạn bởi số lần lấy điểm.
Thứ ba, dự thảo thống nhất giảm số đầu điểm so với quy định hiện hành. Với kiểm tra định kỳ sẽ giới hạn 2 đầu điểm/học kỳ (bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ) không còn điểm kiểm tra 1 tiết.
Với kiểm tra đánh giá thường xuyên, môn học có từ 35 tiết trở xuống/năm học sẽ có 2 đầu điểm, môn học từ trên 35 tiết đến 70 tiết/năm có 3 đầu điểm, môn học trên 70 tiết/năm có 4 đầu điểm.
Mục đích của việc này là khuyến khích học sinh nỗ lực học tập hơn để có thể cải thiện điểm số. Đây chính là kiểm tra, đánh giá vì sự tiến bộ của người học, tạo động lực phát triển cho người học.
Học sinh thảo luận trong giờ học. (Ảnh minh hoạ)
Điểm kiểm tra thường xuyên được tính hệ số 1, điểm kiểm tra giữa kì được tính hệ số 2, điểm kiểm tra cuối kì được tính hệ số 3.
So với hiện hành, tổng số đầu điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ một năm học của một môn học, nhiều nhất là 6, giảm rất nhiều so với hiện nay.
Thứ tư, tăng cường vai trò môn Ngoại ngữ trong xét danh hiệu học sinh giỏi; mở rộng đối tượng khen thưởng.
TS Sái Công Hồng cho biết thêm, học sinh đang học theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành vẫn thực hiện việc kiểm tra, đánh giá theo Thông tư số 58 cho đến hết năm học 2023- 2024.
Tuy nhiên sau 9 năm ra đời thông tư này có nhiều hạn chế. Các môn học chỉ có hình thức đánh giá bằng bài kiểm tra và cho điểm; số lượng đầu điểm kiểm tra nhiều, việc kiểm tra chưa tiếp cận đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh.
Ngoài ra, cách đánh giá cho điểm số hiện nay chưa tạo động lực để người học tiến bộ.
Do đó, một số nội dung mới được bổ sung sẽ tiếp cận việc đánh giá phẩm chất, năng lực của học sinh; đánh giá vì sự tiến bộ của người học; tăng cường và coi trọng kiểm tra, đánh giá quá trình học tập.
Phó Vụ trưởng nhấn mạnh, tới đây việc kiểm tra đánh giá được coi như một hoạt động học tập. Giáo viên sẽ đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động này.