Tàu vũ trụ Hayabusa2 của Nhật Bản chở theo 100 mg vật chất quý hiếm thu thập được từ tiểu hành tinh Ryugu dự kiến sẽ về tới Woomera, Australia vào ngày 6/12.
Thời điểm này đánh dấu một kỷ lục mới về quãng đường khám phá không gian của nhân loại. Theo đó, khi về tới Trái đất, Hayabusa2 đã di chuyển một quãng đường 5,24 tỷ km.
Sau khi trả hàng quý từ Ryugu, Hayabusa2 sẽ tiếp tục hành trình viếng thăm các tiểu hành tinh khác.
"Chúng tôi đang trên đường hạ cánh xuống Trái đất. Độ cao sẽ giảm dần về phía Woomera. Hãy thắt chặt dây an toàn", Giám đốc dự án Hayabusa2 - Yuichi Tsuda nói hôm 27/11.
Tiểu hành tinh Ryugu cách Trái đất 300 triệu km. (Ảnh: JAXA)
Các nhà khoa học tại Trung tâm Thám hiểm Không gian vũ trụ Nhật Bản tin rằng, các mẫu được lấy từ dưới bề mặt của Ryugu chứa các dữ liệu quý giá khi chúng không bị ảnh hưởng bởi bức xạ không gian và các yếu tố môi trường khác.
Hồi tháng 2/2019, Hayabusa 2 hạ cánh xuống Ryugu và thành công thu thập mẫu đá nằm trên bề mặt hành tinh này.
Tới tháng 4, Hayabusa2 bắn một thiết bị hình nón chứa chất nổ có kích thước bằng một quả bóng chày vào Ryugu, tạo ra một miệng hố nhân tạo.
3 tháng sau, tàu vũ trụ của Nhật Bản trở lại Ryugu, thu thập mẫu đá nằm bên trong tiểu hành tinh đã bắn ra bên ngoài trong quá trình tạo ra hố nhân tạo.
Các mẫu thu thập được trong lần này có thể cung cấp câu trả lời về nguồn gốc của Hệ Mặt trời.
Makoto Yoshikawa, Giám đốc sứ mệnh dự án Hayabusa2, cho biết các nhà khoa học đặc biệt quan tâm đến việc phân tích vật liệu hữu cơ trong các mẫu đất ở Ryugu.
“Vật liệu hữu cơ là nguồn gốc của sự sống trên Trái đất, nhưng chúng tôi vẫn không biết chúng đến từ đâu. Chúng tôi hy vọng có thể tìm ra manh mối về nguồn gốc của sự sống trên Trái đất bằng cách phân tích chi tiết các vật liệu hữu cơ do Hayabusa 2 mang về”, ông này cho hay.
Nhiệm vụ kế tiếp của Hayabusa2 là thăm dò tiểu hành tinh (98943) 2001 CC21 vào tháng 7/2026 và xa hơn là tiểu hành tinh 1998 KY26 vào tháng 7/2031.