Hạn chế của tuyển Việt Nam
Đội tuyển Việt Nam chiếm ưu thế trong nửa đầu hiệp một. Tuy nhiên, các học trò của HLV Park Hang Seo vẫn như thường lệ không duy trì điều đó trong thời gian đủ lâu, với sự bền vững đủ tốt như nhiều người mong đợi. Thực tế đội tuyển Việt Nam hiếm khi tạo được một thời cơ rõ ràng trong thế kiểm soát bóng chủ động ở hiệp một.
Xuân Trường và đồng đội vẫn thực hiện những đường bóng dài và trung bình như một thói quen định sẵn. Nhưng, các cầu thủ Việt Nam thua trong khả năng tranh chấp và cũng không chiếm được lợi thế ở các tình huống bóng hai do cấu trúc đội hình chưa đủ tốt.
Đội tuyển Việt Nam kiểm soát bóng chưa đủ tốt với sơ đồ 3-5-2.
Sơ đồ 3-5-2 chưa được tối ưu vận hành là một trong những lý do, khi các vị trí vẫn thiếu sự định hướng đồng bộ để phục vụ việc kiểm soát bóng. Ví dụ như việc Hoàng Đức và Văn Đức lùi sâu và hơi kéo sang 2 biên khiến bộ 3 tiền vệ trung tâm chơi quá gần nhau và gần 3 trung vệ. Thêm vào đó, 2 cầu thủ đá cánh của đội tuyển Việt Nam không thường xuyên dâng cao để tạo ra sức ép hay kéo giãn hàng thủ đối phương.
HLV Park Hang Seo có một vài điều chỉnh về hệ thống ở hiệp hai để khắc phục vấn đề này. Ổng đẩy Văn Đức lên cao. Đội tuyển Việt Nam chơi với sơ đồ 3-4-2-1 khi có bóng, và 5-4-1 khi phòng ngự. Tuy nhiên, sau khoảng 15 phút kiểm soát tốt, vấn đề khác lại bộc lộ.
Số lượng cầu thủ ở tuyến giữa giảm đi khiến hàng tiền vệ của đội tuyển Việt Nam không duy trì được khả năng tạo áp lực cho đối thủ ở giữa sân. Khả năng kiểm soát trung lộ giảm, đồng nghĩa với việc Malaysia giữ bóng lâu hơn.
Đây có vẻ là tình thế phù hợp cho những đòn phản công. Tuy nhiên, đội tuyển Việt Nam cũng không còn thường trực có được những tình huống đáp trả ở mật độ cao khi Văn Đức, Công Phượng phải lùi sâu để hỗ trợ phòng ngự. Cơ hội vẫn xuất hiện, nhưng đó là nhờ vào khả năng giữ bóng và xoay sở của Hoàng Đức, người đã chơi rất ấn tượng trong lần đầu tiên đá chính cho ĐTQG ở một giải chính thức.
Trong một thế trận như vậy, hàng thủ của đội tuyển Việt Nam nhìn chung vẫn chơi tốt. Tuy nhiên khi đối mặt với nhiều sức ép hơn từ đối thủ, sai số đã xuất hiện ở pha phạm lỗi trong vòng cấm của Văn Hậu. Số 5 của đội tuyển Việt Nam, cùng bộ ba trung vệ và thủ môn Tấn Trường, giải quyết rất tốt ý đồ bóng bổng của Malaysia, nhưng lại mắc lỗi ở một pha bóng tưởng như không có gì nguy hiểm.
HLV Park Hang Seo sáng suốt
Đây lại là trận đấu mà đội tuyển Malaysia tự thua với sự vội vàng, khả năng ra quyết định kém và kĩ thuật cá nhân không ấn tượng. HLV Park Hang Seo có lẽ hiểu được điều ấy, và những lựa chọn nhân sự của ông đã làm tốt phần việc được kỳ vọng.
Khả năng giữ bóng của Hoàng Đức là một điểm sáng ở tuyến giữa.
Trong hiệp một, đội tuyển Việt Nam phát huy khả năng của mình ở giai đoạn chuyển đổi từ không bóng sang có bóng. Hoàng Đức, Văn Đức, với kĩ năng xử lý bóng trong phạm vi hẹp và dẫn bóng tốc độ lên phía trước đóng một vai trò quan trọng.
Hệ thống chưa hoàn thiện, nhưng sự tỏa sáng của các cá nhân để tận dụng tình huống là điều giúp đội tuyển Việt Nam tạo ra khác biệt. Bàn thắng của Tiến Linh đến từ tình huống cố định, một "bài tủ" dưới thời HLV Park Hang Seo.
Sự xuất hiện của Văn Toàn ở hiệp hai cũng là lựa chọn sáng suốt của nhà cầm quân người Hàn Quốc, không hẳn là vì cú ngã rất đẹp và đúng thời điểm của cầu thủ mang áo số 9. Tốc độ và khả năng khai thác chiều sâu sân bóng của tiền đạo Hoàng Anh Gia Lai trong tình huống dẫn đến quả phạt đền mới là điều ông Park mong đợi, và anh đã làm đúng như vậy.
Nhìn chung, trận đấu với Malaysia cho thấy rằng trước sức mạnh thể chất của đối thủ, đội tuyển Việt Nam không nên trông chờ quá nhiều vào sức chịu đựng của hàng phòng ngự. Những ý tưởng mới về hệ thống 3-5-2 phần nào cho thấy những tín hiệu tích cực. Có thể hy vọng vào những tín hiệu ấy, kết hợp với một bản lĩnh và tinh thần chơi bóng đáng nói, sẽ tiếp tục mang đến những kết quả đáng tự hào trước UAE.