Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký Quy định 37 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, thay thế Quy định 47 năm 2011. Quy định này bổ sung nhiều điểm mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới.
Bên hành lang kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, ĐBQH Lê Thanh Vân nhấn mạnh: Pháp luật nghiêm cấm những người có bổn phận mua bán tài sản ra nước ngoài, chuyển tiền ra nước ngoài trái quy định và đây là biện pháp ngăn chặn từ gốc rễ, từ đó đảng viên ý thức pháp luật cao hơn.
ĐBQH Lê Thanh Vân
- Ban Chấp hành Trung ương vừa ban hành Quy định số 37 về 19 điều đảng viên không được phép làm, trong đó có quy định đảng viên không được phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây rõ ràng không phải là những vấn đề mới nhưng vì sao Trung ương lại nhấn mạnh điều này trong quy định vừa ban hành, thưa ông?
Đã là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam thì việc đầu tiên là phải thừa nhận đường lối, cương lĩnh và tôn chỉ mục đích của Đảng, đó là theo Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đảng viên mà lại đi phản bác đường lối, chủ trương mà Đảng đấy theo thì không thể là đảng viên nữa. Đảng viên trước hết phải tự nguyện thừa nhận, đi theo con đường mà Đảng đã lựa chọn và còn phải phát triển nó bằng nhận thức đúng đắn.
Những quy định này không mới mà đó là lẽ đương nhiên của một người khi được kết nạp Đảng. Ngay trong đơn xin gia nhập Đảng đã có nội dung nghiên cứu đường lối của Đảng và thừa nhận đường lối đó.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Trung ương quy định điều này vào những điều đảng viên không được làm như sự nhắc nhở mọi đảng viên phải nghiêm chỉnh tuân theo sự lựa chọn của mình và phát triển tư duy lý luận của Đảng. Thừa nhận và tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng để tạo sự đồng thuận.
- Trung ương cũng đưa quy định đảng viên không được nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định. Điều này có ý nghĩa thế nào, thưa ông?
Pháp luật nghiêm cấm những người có bổn phận (cán bộ, đảng viên) mua bán tài sản ra nước ngoài, chuyển tiền ra nước ngoài trái quy định
Đại biểu Lê Thanh Vân
Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Trong khi đó đảng viên phải là người gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện đường lối chính sách, mà đường lối chính sách của Đảng là nguồn gốc của pháp luật.
Pháp luật nghiêm cấm những người có bổn phận (cán bộ, đảng viên) mua bán tài sản ra nước ngoài, chuyển tiền ra nước ngoài trái quy định. Đây là đối tượng phải hạn chế các quyền giao dịch tài sản, chuyển tiền ra nước ngoài, bởi việc này làm cho nguồn lực của đất nước suy kiệt đi.
Đảng ngăn cấm đảng viên có thái độ đi ngược lại với đường lối, chủ trương của Đảng chính là ngăn cấm đảng viên của mình làm những điều đó. Ngăn chặn từ gốc rễ, từ thái độ cư xử của đảng viên đối với các Nghị quyết của Đảng và từ đó đảng viên có ý thức pháp luật cao hơn, tôn trọng các quy định của pháp luật.
- Quy định về việc không được đe doạ, trù dập, trả thù những người được tố cáo, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm lần này cũng được nhấn mạnh, thưa ông?
Đây là quy định rất cần thiết, thậm chí phải coi quy định này là quy định điển hình cần phải làm mạnh trong thời điểm hiện nay khi chúng ta đang đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Lần này không những xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn xây dựng, chỉnh đốn Nhà nước, bởi Nhà nước do Đảng lãnh đạo, nếu Đảng mạnh mà Nhà nước yếu thì hệ thống chính trị sẽ suy yếu, cho nên chỉnh đốn Đảng thì phải chỉnh đốn cả Nhà nước.
Việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng trước hết là phải xây dựng về tổ chức, về nhân sự. Suy cho cùng tổ chức mạnh là do chất lượng nhân sự mạnh. Bác Hồ đã có câu nói rất nổi tiếng: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém”.
Rõ ràng bây giờ chúng ta phải thừa nhận rất nghiêm túc chất lượng cán bộ, từ cán bộ chủ chốt đến cán bộ nắm giữ những quyền hạn, nhiệm vụ trong bộ máy. Có thể thấy chất lượng cán bộ đang sa sút, sa sút rất đáng báo động cho nên phải chỉnh đốn bằng nhiều cách, trong đó trọng tâm là phải bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Hiện nay, tình trạng suy thoái chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hoá không chỉ diễn biến ở cá nhân mà nó còn có dấu hiệu lan ra tập thể. Chẳng hạn tập thể lãnh đạo của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển vừa qua, một loạt tướng lĩnh cấu kết, liên thủ với nhau, quy mô vi phạm là cả tập thể cấp uỷ và cơ quan.
Vì vậy người có năng lực trình độ, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm có nguy cơ trở thành thiểu số, và trở thành thiểu số thì dễ bị bè phái đông hơn gồm những kẻ thoái hoá biến chất trù dập, loại bỏ ra khỏi bộ máy.
Tuy nhiên, việc bảo vệ những người dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm cần phải tránh hai khuynh hướng.
Khuynh hướng thứ nhất là hiểu sai mục đích, nội dung và kết quả của chủ trương này. Tôi nghĩ cần phải nhận thức đúng đắn, thậm chí các cơ quan nhà nước phải cụ thể hoá và các cơ quan Đảng như cơ quan Tổ chức, Kiểm tra cũng phải hướng dẫn chi tiết điều này.
Cụ thể, có 3 nội dung cần phải cụ thể hoá chủ trương này:
Thứ nhất là mục tiêu, mục đích của việc dám nghĩ, dám chịu trách nhiệm phải là lợi ích tối thượng của Đảng, đất nước và nhân dân.
Thứ hai là nội dung, nội dung trước hết phải phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân và không chống lại cương lĩnh chính trị của Đảng, hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.
Thứ ba là kết quả, phải mang lại kết quả thực sự, kết quả hiện hữu chứ không phải kết quả ảo tưởng. Ví dụ như xây dựng một đề án, mặc dù đề án rất tốt đẹp, không trái với đường lối chủ trương của Đảng, nhưng kết quả mơ hồ, hoang đường rồi đem ra để ca tụng nhau thì cần phải tránh.
Khuynh hướng thứ hai cần tránh là khuynh hướng lợi dụng tinh thần bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Theo tôi, cái dám nghĩ, dám làm ở đây phải hiểu cho ngay tình, đúng đắn, tránh việc lạm dụng hoặc ngụy biện, tư biện cho việc làm sai bằng việc vin vào cớ dám nghĩ, dám làm.
Vấn đề đặt ra ở đây là các cơ quan Đảng có liên quan như cơ quan Tổ chức, Kiểm tra, Tuyên giáo cần phải thể hiện rõ tinh thần của kết luận 14 và quy định mới ban hành của Đảng về 19 điều cấm trên 3 phương diện là mục tiêu, mục đích của hành động; nội dung hành động và kết quả của hành động.
Như lời Bác Hồ đã từng nói: “Cái gì có lợi cho dân phải hết sức làm, cái gì có hại có dân phải hết sức tránh”.
- Vấn nạn bằng giả, chứng chỉ giả hiện nay cũng được đưa vào quy định mới, thưa ông?
Đây cũng là vấn đề không mới nhưng được đưa vào quy định 37 lần này để thể hiện tính nghiêm trọng của vấn đề. Đây là vi phạm phổ biến và cần phải đưa vào điều cấm để đủ công cụ, quy định vững chắc để xử lý cho có căn cứ.
Bằng giả là thể hiện sự man trá, dối Đảng lừa dân của cán bộ, phản ánh sai bản chất thực của trình độ học vấn. Nhưng tôi muốn nói giả về mặt kiến thức mới là quan trọng, có người bằng thật nhưng kiến thức giả.
Tôi nghĩ rằng cần phải phân tích, đánh giá, quy định chi tiết về nội dung bằng giả hiện nay. Bằng giả ở đây là giấy tờ giả, là phạm tội hình sự, nhưng giả về kiến thức là giả nhân mới là nguy hiểm.
Có bằng thật nhưng quá trình học tập mua điểm, hối lộ để có bằng thật thì đó là kiến thức giả. Thậm chí có kiến thức rồi nhưng không “tiêu hoá” được cũng là bằng giả. Bằng giả ở đây là chất lượng tri thức, chất lượng nhận thức không thật.
Lúc này đất nước đang cần những người thực sự có trí tuệ. Trí tuệ ở đây bao hàm 3 yếu tố, một là khả năng nhận thức thế giới tự nhiên và xã hội, biết đâu là đúng sai.
Thứ hai là tích luỹ tri thức, đó là kiến thức về chính trị, văn hoá, tổ chức nhà nước, đòi hỏi quảng bác ở tầm chiến lược từ trên xuống dưới. Có nền tảng trí tuệ, hiểu rộng biết nhiều.
Yếu tố thứ ba là khả năng “tiêu hoá” tri thức đó vào cuộc sống. Trên cơ sở hiểu biết, tích luỹ tri thức rồi thì vận dụng nó vào từng tình huống cụ thể thế nào.
Tôi lấy ví dụ như cùng tình huống ở TP.HCM là dịch bệnh phát tán, lây lan phức tạp nhưng vận hành ở các quận, huyện khác nhau. Ở huyện Củ Chi, Quận 6 và Quận 7 đã có giải pháp an toàn. Tôi đánh giá cao những vị lãnh đạo ở đây bởi họ thực sự là có trí tuệ, hội tụ đủ 3 yếu tố ở trên.
Ngược lại, có những lãnh đạo ở đơn vị khác vận hành như rô bốt, máy móc, biết là không đúng, biết là trái nhưng máy móc làm. Điều đó là một sự thật phơi bày ra năng lực của các cán bộ, nhất là cán bộ cấp cơ sở, mắt xích cuối cùng kết nối Nhà nước với Nhân dân. Điển hình như một vị Phó Chủ tịch phường ở TP Nha Trang.
Người dân bây giờ dị ứng vô cùng với chất lượng cán bộ các cấp, “ăn không đọi, nói không nên lời”, hành xử kiểu lộng hành quyền lực. Cứ có quyền lăm lăm trong tay như người cầm cái búa, tất cả nhân dân là cái đinh, lúc nào cũng sẵn sàng đóng. Như thế là không được.
- Quy định mới cũng cấm đảng viên không được "tư duy nhiệm kỳ", đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức. Tuy nhiên, điều này rất khó định lượng, vậy làm sao chúng ta định lượng được điều này, thưa ông?
Vấn đề tư duy nhiệm kỳ này có phạm vi bàn luận rất rộng. Có thể thấy một vấn đề là tính ổn định của chính sách tuỳ thuộc vào trí tuệ của lực lượng làm ra chính sách. Lực lượng đó được gọi là tinh hoa ở từng cấp.
Khi xây dựng đường lối, hoạch định chính sách cho cả nhiệm kỳ thì phải có tầm nhìn xa, rộng và thích hợp với từng giai đoạn. Hay nói cách khác tư duy chiến lược là một tầm nhìn xa, nhưng trong chiến lược đó phải có kế hoạch từng giai đoạn, trong mỗi kế hoạch thì cần phải có lộ trình thực hiện. Trật tự ưu tiên từ thấp đến cao, từ gần đến xa thì chính sách mới ổn định.
Nhưng chất lượng trí tuệ của cán bộ hoạch định chính sách của chúng ta rất đáng bàn. Vì không đáp ứng được yêu cầu nên thay đổi liên tục, thậm chí có những kế hoạch chưa tồn tại được 1 năm thì đã phải thay đổi.
Bác Hồ nói “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Văn minh có nghĩa là phải có trí tuệ, hiểu được thời thế, còn đạo đức là phẩm chất.
Chất lượng cán bộ, tầm nhìn tư duy không có mới có khái niệm tư duy nhiệm kỳ, đây là hiểu theo nghĩa vô tư.
Còn hiểu một cách “không vô tư” đó là lợi ích nhóm. Mặc dù họ biết việc đó, có tầm nhìn xa, có lợi ích cho dân, cho nước nhưng họ không làm. Ổn định rồi nhưng muốn sửa lại, cục bộ, ngắn hạn để phục vụ lợi ích của họ, dễ bề thao túng, trục lợi. Thậm chí tinh vi hơn là họ mượn bàn tay tập thể để hợp thức hóa bằng biểu quyết tập thể để có quyền hạn theo luật định. Đây là điều rất nguy hiểm.
Vì vậy, đặt vấn đề chống tư duy nhiệm kỳ chính là nhằm vào cả hai nhóm. Nhóm thứ nhất là không đủ năng lực hoạch định chính sách, cho nên thay đổi liên tục theo nhiệm kỳ. Nhóm thứ 2, nguy hiểm hơn là xây dựng chính sách theo nhiệm kỳ để bảo vệ lợi ích nhóm, bởi trong khoảng thời gian nhiệm kỳ ấy, người ta mới vẫy vùng, trục lợi. Cái này phải chống và rất đúng đắn.
- Thêm một điểm đáng chú ý trong quy định mới đó là cấm đảng viên "can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án…", thưa ông?
Quy định 37 nhấn mạnh việc bảo vệ tính độc lập của các cơ quan tư pháp, cũng như các cơ quan thanh tra.
Ở đây chúng ta phải hiểu hai tình huống, một là bảo vệ độc lập của các cơ quan tư pháp theo tinh thần cải cách tư pháp trong Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị thì tòa án là trung tâm của cơ quan tư pháp.
Không can thiệp vào hoạt động độc lập trong xét xử chính là sự không can thiệp của cấp ủy Đảng, chính quyền, bảo đảm tòa án xét xử độc lập, chỉ tuân theo hiến pháp và pháp luật để bảo đảm yếu tố khách quan. Điều này ngăn chặn tình trạng sử dụng ý chí cá nhân áp đặt, chống oan sai và chặn lại bảo kê, lợi ích nhóm.
Phương diện thứ hai là bảo vệ tính độc lập trong quá trình thanh, kiểm tra. Thanh tra, kiểm tra chính là cơ chế tự kiểm soát quyền lực trong hệ thống cơ quan, được phân công thực hiện các nhánh quyền lực.
Ví dụ như Thanh tra Chính phủ là cơ quan tiền kiểm soát các sai phạm trong nội bộ hệ thống hành chính thực hiện quyền hành pháp. Tính khách quan, tôn trọng quyền thanh tra kiểm tra của họ, chính là bảo đảm yếu tố làm minh bạch, sửa sai chấn chỉnh từ trước, đó là tự kiểm soát, ngăn chặn trước vi phạm.
- Xin cảm ơn ông!