Theo chuyên gia Honrada, Trung Quốc và Nga có kế hoạch thiết lập cơ sở chung trên Mặt trăng vào năm 2027, sớm hơn 8 năm so với kế hoạch ban đầu. Căn cứ chung trên Mặt trăng, được gọi là Trạm Nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế (ILRS), sẽ là một tổ hợp các cơ sở nghiên cứu thử nghiệm được thiết kế cho nhiều hoạt động khoa học, chẳng hạn như thám hiểm, quan sát, các nghiên cứu thực nghiệm và xác minh công nghệ trên Mặt trăng.
Cuộc đua nhằm thiết lập sự hiện diện lâu dài trên Mặt trăng giữa Nga, Trung Quốc và Mỹ bị chi phối bởi các yếu tố chính trị, kinh tế và quân sự. (Ảnh: Dailymail.co.uk)
Trung Quốc đang có kế hoạch phóng tàu thăm dò Mặt trăng Chang’e 8 như là bước đầu tiên trong việc thành lập ILRS. Hiện tại, sự hiện diện trên Mặt trăng của Trung Quốc gồm có tàu đổ bộ Chang’e 4 và tàu thám hiểm Yutu 2, được phóng năm 2019, đánh dấu cuộc đổ bộ đầu tiên của nhân loại lên vùng tối của Mặt trăng. Cả hai tàu Mặt trăng đều đang thực hiện các thí nghiệm khoa học, trong khi Chang’e 4 thực hiện thí nghiệm sinh quyển để theo dõi sự phát triển của tằm, hạt giống khoai tây và cây Arabidopsis (một loài thực vật có hoa nhỏ), tàu Yutu 2 đang nghiên cứu miệng núi lửa Von Kármán.
Kế hoạch thiết lập cơ sở Mặt trăng chung của Trung Quốc và Nga có thể được coi là phản ứng đối với việc họ không tham gia Hiệp định Artemis của Mỹ, nhằm thiết lập các nguyên tắc, hướng dẫn và điều kiện thực tế tốt nhất để khám phá không gian cho Mỹ và các đối tác. Mục tiêu của Mỹ trong việc thúc đẩy Chương trình Artemis là nhằm trở thành quốc gia đầu tiên thiết lập sự hiện diện lâu dài trên Mặt trăng.
Trung Quốc bị cấm tham gia các dự án chung với Mỹ trong không gian sau khi Washington cấm NASA hợp tác với Trung Quốc mà không có sự chấp thuận đặc biệt của Quốc hội vào năm 2011. Do đó, Trung Quốc buộc phải tự chủ trong chương trình vũ trụ của mình.
Minh họa cho điều này là việc Trung Quốc bị cấm tham gia Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), nhưng nước này đang trong quá trình xây dựng trạm vũ trụ Tiangong của riêng mình, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022. Trung Quốc có kế hoạch sử dụng trạm vũ trụ Tiangong để thực hiện các thí nghiệm với các nước đối tác và triển khai liên tục ba phi hành gia trong ít nhất một thập kỷ.
Trong khi đó, Nga từ chối ký Hiệp định Artemis, cho rằng chương trình này quá tập trung vào Mỹ. Bất chấp việc Nga từ chối ký Hiệp định Artemis, hợp tác vũ trụ Nga-Mỹ vẫn là một trong số ít lĩnh vực mang tính xây dựng giữa hai nước. Một trong những đóng góp đáng kể của Nga cho ISS là module dịch vụ Zvezda, cung cấp các khoang sinh hoạt, hệ thống hỗ trợ sự sống, phân phối điện, hệ thống xử lý dữ liệu, hệ thống điều khiển bay và hệ thống đẩy. Đây cũng là một cảng neo đậu cho các tàu vũ trụ Soyuz và Progress của Nga. Tuy nhiên, Nga đã đe dọa rút khỏi ISS vào năm 2025 trừ khi Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực không gian của Nga.
Với bối cảnh hiện nay, cuộc đua nhằm thiết lập sự hiện diện lâu dài trên Mặt trăng giữa Nga, Trung Quốc và Mỹ bị chi phối bởi các yếu tố chính trị, kinh tế và quân sự. Sự đối đầu về chính trị và ý thức hệ giữa Trung Quốc, Nga và Mỹ có thể là nguyên nhân thúc đẩy cuộc chạy đua thiết lập sự hiện diện lâu dài trên Mặt trăng nhằm thể hiện ưu thế công nghệ của các bên.
Khi nói đến lợi ích kinh tế, Mặt trăng được cho là có trữ lượng lớn silic, kim loại đất hiếm, titan, nhôm, nước, kim loại quý và Helium-3. Bên cạnh đó, các công nghệ được phát triển để tồn tại lâu dài trên Mặt trăng cuối cùng có thể được sử dụng thương mại phổ biến.
Ngoài ra, Mặt trăng có thể được quân sự hóa bởi các nước muốn bảo vệ lợi ích thương mại trên Mặt trăng của họ, triển khai vũ khí chống vệ tinh hoặc chống tàu vũ trụ, hoặc sử dụng Mặt trăng như một điểm hấp dẫn để triển khai vệ tinh quân sự hoặc tàu vũ trụ vốn khó bị phát hiện với các thiết bị theo dõi không gian thông thường.
Tuy nhiên, chuyên gia Honrada cho rằng hợp tác không gian Trung-Nga có những thách thức riêng. Về ý chí chính trị, có thể Trung Quốc hoặc Nga không hoàn thành theo mốc thời gian đặt ra hay đình chỉ hợp tác, do các ưu tiên chính trị khác nhau, do nguồn lực hạn chế hoặc thay đổi lãnh đạo.
Nga cũng có thể không muốn trở thành đối tác cấp dưới của Trung Quốc, vì lịch sử khám phá không gian đáng tự hào của nước này. Ngoài ra, các chính phủ khác có thể nghi ngờ về khả năng tồn tại của hợp tác không gian Trung-Nga và coi hợp tác với Mỹ là lựa chọn tốt hơn.