Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Dân thường Việt Nam, 57 năm tiền lương mới mua nổi một căn hộ 

Theo Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), người lao động có thu nhập trung bình phải dành tới 30 năm tiền lương để mua một căn hộ, tại Việt Nam con số này lên tới 57 năm.

Điều này cho thấy nguy cơ “bong bóng” bất động sản đang đến gần.

Tại buổi Tọa đàm “Quản lý đầu tư cá nhân trong môi trường linh hoạt” do Báo Đầu tư tổ chức, các chuyên gia kinh tế và DN đã có những nhận định đáng chú ý về các kênh đầu tư tư nhân trong hoàn cảnh hiện nay.

Rủi ro lớn

Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, kênh đầu tư tư nhân chủ yếu trong các năm qua gồm: trái phiếu DN, bất động sản, chứng khoán, tiền số...Những kênh đầu tư này đang chịu áp lực rất lớn từ lạm phát và các bất ổn về chính trị, kinh tế toàn cầu. 

Với thị trường bất động sản, Việt Nam đang ở mức báo động theo các tiêu chí của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF). Theo IMF, để mua một căn hộ, những người lao động có thu nhập trung bình phải dành ra tới 30 năm tiền lương trở lên là có dấu hiệu “bong bóng”. Tính toán của IMF cho thấy, tại Việt Nam người lao động có thu nhập trung bình phải bỏ ra tới 57 năm tiền lương mới mua được một căn hộ. Giao dịch bất động sản trong thời gian gần đây chủ yếu là của các nhà đầu tư dự án và các nhà đầu tư thứ cấp (đầu cơ). Các giao dịch mua nhà để ở cho những tầng lớp lao động trung bình là quá ít. Đây cũng là một chỉ báo cho thấy nguy cơ “bong bóng” bất động sản đang đến gần.

Các kênh đầu tư đang chịu áp lực rất lớn từ lạm phát và các bất ổn về chính trị, kinh tế toàn cầu.Thị trường trái phiếu DN vẫn chưa phục hồi trở lại, lòng tin của nhà đầu tư rất thấp nên triển vọng khá bấp bênh. Đặc biệt là rủi ro vỡ nợ trái phiếu theo sau “bong bóng” bất động sản trong thời gian tới vẫn có nguy cơ xảy ra. Với thị trường chứng khoán, những năm qua đã rơi vào tình trạng đầu cơ và lũng đoạn của một số DN. Kéo theo đó là tình trạng đầu cơ “bầy đàn” giá đã bị đẩy lên khá cao, trong khi nền tảng tài chính của nhiều tập đoàn và công ty đang gặp khó khăn lớn do đại dịch COVID-19.

Các kênh đầu tư đang chịu áp lực rất lớn từ lạm phát và các bất ổn về chính trị, kinh tế toàn cầu. (Ảnh minh hoạ).

Đặc biệt, các báo cáo được phát hành về dòng tiền của hầu hết các công ty đều trong tình trạng tiêu cực, từ đó dẫn đến hệ luỵ về pháp lý. Bên cạnh đó, tâm lý dưới dạng lòng tham và nỗi sợ hãi khiến thị trường suy giảm rất mạnh, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ thua lỗ và tháo chạy.

Thị trường tiền điện tử, cũng rơi vào tình trạng tương tự. Hình thức đầu tư theo kiểu “bầy đàn” đã đẩy giá nhiều đồng tiền lên rất cao. Khi có những tác động từ lạm phát, suy giảm phục hồi kinh tế toàn cầu và đặc biệt từ khủng hoảng năng lượng, lương thực, địa chính trị…đã khiến cho thị trường hoảng loạn, giá giảm mạn, nhiều nhà đầu tư bị mất hàng trăm triệu USD.

"Thị trường tài sản là một thị trường đầu tư có doanh lợi trên vốn rất cao, tuy nhiên, rủi ro cũng rất lớn. Đây cũng là thị trường rất dễ bị thao túng, nếu không được kiểm soát tốt sẽ tạo ra những làn sóng đầu tư “bầy đàn” có thể dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng. Vì vậy, đối với những cá nhân nguồn tài chính có hạn thì hết sức thận trọng. Việc đầu tiên phải xác định đây là đầu tư tài sản chứ không phải đầu cơ tài sản", ông Nghĩa đưa ra lời khuyên.

Có tiền đầu tư vào đâu?

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch HĐQT RB Group nhận xét, thị trường bất động sản đang gặp khó khăn. Các DN thiếu vốn để phát triển các dự án, trong khi ngân hàng sắp hết hạn mức tín dụng năm 2022, nên nhiều khách hàng không thể vay được vốn mua nhà. Các giao dịch trên thị trường đã đi xuống thời gian qua, cả đầu vào và đầu ra đều gặp trở ngại. Thời gian tới thị trường bất động sản có thể còn xấu hơn hiện tại. Đây là thời điểm không tốt đối với đầu tư ngắn hạn hay “lướt sóng” sử dụng đòn bẩy tài chính quá đà.

"Tuy nhiên, thời điểm này nên đầu tư trung dài hạn. Với bất động sản ở những khu vực được hưởng lợi đầu tư công vẫn có tiềm năng, bởi chưa bao giờ giải ngân vốn cho đầu tư công nhiều như thập kỷ này. Ngoài ra là các bất động sản ở khu vực có “nội lực” riêng về du lịch cũng rất đáng đầu tư", ông Ngọc nói.

Về kênh đầu tư chứng khoán, ông Trần Đức Anh, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam, cho biết, động lực tăng trưởng chính của thị trường trong 6 tháng cuối năm 2022, sẽ đến từ khả năng đề kháng tốt của nền kinh tế trước những áp lực gia tăng từ ngoại biên, cũng như đà tăng trưởng lợi nhuận các DN niêm yết.

Nhiều nhà đầu tư cá nhân không biết đọc và không hiểu được các báo cáo tài chính của các DN. Hiện tại, định giá trên thị trường ở mức thấp, trong khi lợi nhuận của nhiều DN niêm yết khá tốt. Trong nửa cuối năm, cổ phiếu ngành bán lẻ và ngành ngân hàng dự báo có thể hưởng lợi.

Số liệu của Tổng cục Thống kê về tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng cả nước cho thấy, ngành hàng bán lẻ được hưởng lợi tích cực. Dù vậy, không phải DN nào cũng hưởng lợi, mà tập trung ở nhóm nhu cầu tiêu dùng kìm nén hai năm vừa qua.

Tuy nhiên, đầu tư cổ phiếu ngành bán lẻ, thời điểm này cần quan tâm đến giá cổ phiếu đã cao và lạm phát cao ảnh hưởng đến sức mua người tiêu dùng. Với ngành ngân hàng, dù ngắn hạn có yếu tố rủi ro về room tín dụng, nợ xấu, trái phiếu, nhưng bức tranh quý 2/2022 cho thấy, chất lượng tài sản tăng, lợi nhuận tăng. Nhà đầu tư hoàn toàn có thể kỳ vọng ngành ngân hàng tăng trưởng tốt trong bối cảnh định giá thấp hiện tại.

Với những kênh đầu tư mới xuất hiện, lại liên quan đến công nghệ và sử dụng thuật toán tự động. Các kênh đầu tư này cũng chịu sự ảnh hưởng từ biến động không ngừng trong của thị trường. Với sự khác biệt về nền tảng công nghệ đã khiến các kênh đầu tư này trở nên mơ hồ và khó tiếp cận đối với đại đa số những nhà đầu tư truyền thống.

"Để xoá nhoà được khoảng cách thế hệ về công nghệ và giúp các nhà đầu tư truyền thống có thể tham gia vào thị trường của các kênh đầu tư mới này, cần có kiến thức", ông William Đỗ, CEO của Quỹ đầu tư Hobbit Investment nhận xét.

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank, đặt câu hỏi: "Nếu muốn có một bộ quần áo mới mà không phải là thợ may thì khách hàng có nên tự may hay không? hoặc không phải là kiến trúc sư có nên tự thiết kế nhà không? Trả lời được câu hỏi này thì nhà đầu tư cá nhân sẽ biết nên làm gì, tự đầu tư hay thông qua các quỹ".

"Tôi khẳng định nhiều nhà đầu tư cá nhân không biết đọc và không hiểu được các báo cáo tài chính của các DN phát hành trái phiếu hay cổ phiếu. Không biết tình hình tài chính của DN phát hành như thế nào, dòng tiền ra sao, phương án trả nợ có đảm bảo không. Nhiều nhà đầu tư chỉ nghe thấy nói DN này làm ăn tốt thế là đầu tư. Thấy mọi người mua cũng mua theo, vì vậy rủi ro rất cao. Nhà đầu tư cá nhân nên thông qua những tổ chức chuyên nghiệp để đầu tư sẽ an toàn hơn. Đầu tư vào các quỹ không kỳ vọng lợi nhuận sẽ tăng từ 5-7 lần, nhưng không để tình trạng mất tới 70-80% giá trị vốn", bà Nga nói thêm.

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới