Đậu nành phổ biến trong nhiều món ăn châu Á và ngày càng phổ biến ở các nước phương Tây khi nhiều người hướng tới chế độ ăn thiên về thực vật. Nó cung cấp nhiều lợi ích sức khỏe tiềm năng và thường rẻ hơn thịt. Tuy nhiên, có thể chúng ta từng nghe lời đồn rằng đậu nành liên quan đến nguy cơ ung thư hoặc nó có thể có tác dụng “nữ hóa” đối với nam giới. Các nghiên cứu thực sự nói gì về lời đồn này?
Trên thực tế, theo The Conversation, đa số nghiên cứu chứng minh ăn một lượng đậu nành vừa phải chẳng những không gây ra vấn đề mà thậm chí có thể mang lại lợi ích. Nhìn chung, bạn có thể dùng một lượng đậu nành vừa phải trong chế độ ăn uống hàng ngày.
Đa số nghiên cứu chứng minh ăn một lượng đậu nành vừa phải chẳng những không gây ra vấn đề mà thậm chí có thể mang lại lợi ích. (Ảnh: dogtime.com)
Đậu nành rất giàu protein chất lượng cao và chứa vitamin B, chất xơ, khoáng chất cũng như các chất thuộc nhóm isoflavone như daidzein, genistein và glycitein.
Daidzein có cấu trúc tương tự estrogen tự nhiên và đôi khi người ta gọi nó là “estrogen thực vật”. Nhóm isoflavone trong đậu nành có thể liên kết với các thụ thể estrogen trong cơ thể.
Vài nghiên cứu đã chỉ ra vài tác động đáng lo ngại, song các tác động ấy có xu hướng liên quan tới những người ăn quá nhiều đậu nành. Chẳng hạn, một người đàn ông mắc hội chứng nữ hóa tuyến vú (tuyến vú phì đại ở nam giới) do uống gần 3 lít sữa đậu nành mỗi ngày.
Một tổng quan lý thuyết về các nghiên cứu liên quan chỉ ra rằng các nghiên cứu nhấn mạnh nguy cơ này thường được thực hiện trên động vật, hoặc là những trường hợp cá biệt.
Tổng quan lý thuyết trên lưu ý rằng dù cần thêm nhiều dữ liệu từ các nước phương Tây, một lượng vừa phải đậu nành trong "các món ăn truyền thống từ đậu mang lại lợi ích sức khỏe khiêm tốn và rất ít nguy cơ biến chứng".
Một nghiên cứu đối với 73.223 phụ nữ Trung Quốc trong hơn 7 năm đã phát hiện rằng phụ nữ ăn nhiều đậu nành trong thời kỳ thiếu niên và trưởng thành có nguy cơ ung thư vú thấp đáng kể. Nghiên cứu không chỉ ra bất kỳ mối liên hệ nào giữa việc ăn đậu nành với ung thư thời kỳ mãn kinh.
Vài thử nghiệm trên động vật và các nghiên cứu về tế bào cho thấy isoflavone hoặc protein từ đậu nành có thể kích thích sự phát triển của ung thư, song hiện tượng ấy không xảy ra trong các thử nghiệm với người.
Một nghiên cứu ở nam giới Nhật Bản cho thấy ăn nhiều súp miso (1-5 chén mỗi ngày), có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng một số nguyên liệu trong súp miso có thể gây tác động. Chẳng hạn, hàm lượng muối cao trong súp miso làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Đậu nành chứa isoflavone, chất béo lành mạnh (như chất béo no không bão hòa), chất xơ, vitamin và khoáng chất, đồng thời cũng chứa ít chất béo bão hòa.
Thay thế thịt trong chế độ ăn uống bằng các sản phẩm từ đậu nành sẽ làm giảm lượng chất béo bão hòa bạn ăn, đồng thời tăng mức hấp thụ các chất dinh dưỡng quan trọng.
Thay thịt đỏ bằng protein thực vật - bao gồm các sản phẩm từ đậu nành - có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim. (Ảnh: AP)
Một nghiên cứu với gần một triệu người trưởng thành Trung quốc không mắc bệnh tim mạch cho thấy những người ăn đậu nành trong 4 ngày trở lên mỗi tuần có nguy cơ tử vong vì đau tim thấp hơn nhiều so với những người không bao giờ ăn đậu nành.
Thay thịt đỏ bằng protein thực vật - bao gồm các sản phẩm từ đậu nành - có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Nếu bạn muốn đưa đậu nành trong chế độ ăn uống, hãy chọn các loại thực phẩm từ đậu nành ở trạng thái tự nhiên như đồ uống đậu nành giàu canxi, bánh mì đậu nành, đậu phụ và đậu nành thay vì các sản phẩm được chế biến ở mức cao, chứa nhiều muối và chất béo bão hòa.
Nhìn chung, một lượng vừa phải đậu nành có thể được coi như một phần của chế độ ăn uống lành mạnh và thậm chí có thể giúp điều trị một số triệu chứng của thời kỳ mãn kinh.