Nhắc đến Tết Đoan Ngọ, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến chùm bánh tro mướt mát, tục ăn cơm rượu diệt sâu bọ, tắm nước lá… Chắc chẳng mấy ai còn nhớ đến những phong tục xưa cũ rất đỗi thú vị vào ngày lễ này mà thuở bé mình từng trải qua. Một trong số đó không thể không nhắc đến tục nhuộm móng tay vừa thú vị lại vừa vui vào ngày Tết Đoan Ngọ.
Thế nhưng mới đây, trong một bài viết gợi nhắc lại ký ức của ngày tết này trên mạng xã hội, rất nhiều bạn trẻ đã nhiệt tình chia sẻ lại “một thời để nhớ” của mình với việc nhuộm móng tay đón Tết Đoan Ngọ.
“Có ai từng nhuộm móng tay như này để ăn Tết Đoan Ngọ chưa?
Hồi bé được làm thử một lần nó cắn cắn giật giật khó chịu lắm mà vẫn cố cắn răng để có 1 bộ nail sành điệu. Thấp thỏm chờ mãi đến sáng hôm sau để bỏ ra xem nó thế nào, cuối cùng cả móng cả tay vàng khè như nghệ. Ai chưa từng làm thì thử đi!
Quá trình để có một bộ móng ăn Tết Đoan Ngọ.
Trước mình nhuộm bằng lá này, cũng không biết còn có lá nào nhuộm được hay không.
Ps: Kết quả sẽ như ảnh này nhé, giờ lớn rồi mình không nhuộm nên không chụp được chính chủ nên lấy ảnh mạng cho mọi người xem. Tự nhiên thấy họ nhuộm lại nhớ nên đăng cho mọi người biết.”
Bài chia sẻ của Linh Ellie nhanh chóng nhận về những bình luận xen lẫn chia sẻ về bộ móng mới toanh của một số bạn trẻ vẫn giữ tục nhuộm móng.
Đây là thành quả sau khi nhuộm móng qua một đêm.
“Tuổi thơ đấy, chả biết nhuộm để làm gì mà năm nào ngày diệt sâu bọ cô út mình cũng vặt lá này giã với mẻ xong ốp vào móng tay cho mình, mà cô mình khéo tay nên là nó chỉ nhuộm tròn trong móng chứ không bị nhòe ra tay đâu.” - bình luận của Thu Hằng.
“Tối mùng 4 cả nhà hì hục ngồi giã lá đắp móng. Có 1 lần còn giã vỡ cả cối, tuổi thơ dữ dội không quên được.” - bạn Nguyễn Thùy Linh chia sẻ.
Một bình luận khác của bạn Tỉnh Công Hoàng: “Giờ khó tìm được cây lá móng này. Ngày xưa đến giờ này chân tay đang bó cái lá này rồi. Sáng mai vừa ngủ dậy mẹ cho mấy quả mận, bảo ăn để giết sâu bọ.”
(Ảnh: Thanh Tuyền)
Theo phong tục xưa thì hàng năm, đến Tết Đoan Ngọ người ta nhuộm móng chân, móng tay cho con trẻ. Chất liệu để nhuộm móng là cây lá móng. Lá móng sau khi lấy về sẽ được giã nhỏ, thêm vài giọt nước chanh, trộn đều rồi đắp vào các móng tay (trừ móng tay trỏ) và móng chân. Ngoài ý nghĩa thẩm mỹ, tục này còn có ý nghĩa trừ ma tà, làm cho ma quỷ sợ mà tránh xa con trẻ.