Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Dân Lebanon chuyển sang làm nông để sống sót qua khủng hoảng

(VTC News) -

Nhiều người dân Lebanon buộc phải đổi nghề sang làm nông khi mối lo ngại về an ninh lương thực ngày càng tăng trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine tiếp diễn.

Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), giá lương thực tăng gấp 11 lần kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Lebanon bắt đầu. Chính quyền Beirut từng bước tăng mức giá trần của những loại thực phẩm chính như bánh mì do mối lo ngại về tình trạng thiếu hụt lúa mì ngày càng tăng trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine tiếp diễn.

Trong tình hình đó, nhiều người buộc phải đổi nghề sang làm nông để đảm bảo nguồn lương thực. Anh Qassem Shreim ở Houla (miền Nam Lebanon) chuyển sang làm nông sau khi đồng bảng Liban bắt đầu trượt giá vào năm 2019, khiến công việc kinh doanh của anh ngày càng khó khăn.

"Chúng tôi không thể làm việc… và chuyển sang làm nông", anh Shreim nói.

Người dân Lebanon buộc phải đổi nghề sang làm nông để đảm bảo nguồn lương thực. (Ảnh: Reuters)

Qassem Shreim vốn không phải con nhà nông. Để theo được nghề này, anh phải tự học những điều cơ bản qua các video trên YouTube và học hỏi từ những nông dân khác. Sau 3 năm, gia đình anh đã trồng được nhiều loại nông sản đa dạng như lúa mì, đậu lăng, cà tím và ớt xanh.

"Tôi từng phải mua mọi thứ từ cửa hàng. Nhưng giờ tất cả các loại rau tôi cần đều có sẵn ở nhà", Shreim chia sẻ.

Tuy nhiên, gia đình Shreim vẫn gặp khó khăn do tình trạng thiếu điện ở Lebanon. Mỗi ngày, họ nhận được 1 giờ dùng điện do nhà nước cung cấp và 4 giờ từ máy phát điện riêng. Do vậy, họ chỉ có thể đưa một lượng nước giới hạn vào vườn.

Năm ngoái, Houla may mắn có nhiều mưa, giúp cho việc canh tác thuận lợi. Tuy nhiên, anh Shreim lo ngại mùa đông 2022 sẽ khô hạn hơn và tàn phá mùa màng năm sau.

Trước khi cuộc khủng hoảng Lebanon xảy ra, nông dân nước này thường chở nông sản đến thủ đô Beirut để bán với giá cao hơn, nhưng giờ họ không thể làm vậy vì phí di chuyển quá lớn.

Nếu tôi muốn bán sản phẩm ở chợ đầu mối của Beirut thì tôi chỉ lãi đủ để trả tiền nhiên liệu, trong trường hợp chiếc xe không bị hỏng”, anh Shreim nói.

Nhà Shreim và các hộ gia đình làm nông khác ở Lebanon phải cắt giảm vitamin và một số loại thuốc trừ sâu để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, Qassem Shreim vẫn khẳng định sẽ tiếp tục làm nông bởi đây làm công việc “có tương lai” trong bối cảnh khủng hoảng: "Tôi sẽ không quay lại làm công việc cũ. Làm nông nghiệp là có tương lai".

Trần Trang

Tin mới