Các công đoàn thương mại Indonesia cho biết giá nhiên liệu tăng sẽ làm giảm sức mua, vào thời điểm tiền lương bị hạn chế và lạm phát tăng vọt. Hàng chục nghìn công nhân Indonesia dự kiến biểu tình ở Jakarta vào 6/9, theo Bloomberg.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã hoãn thông báo tăng giá nhiên liệu hàng tuần liền trong bối cảnh các cuộc biểu tình quy mô nhỏ diễn ra. Chính phủ của ông cuối cùng đưa ra thông báo hôm 3/9. Ông Widodo nói đây là “lựa chọn cuối cùng” mà chính quyền có thể thực hiện.
Nhiều người xếp hàng tại một trạm xăng trước khi giá xăng tăng ở Yogyakarta, Indonesia, ngày 3/9. (Ảnh: Ulet Ifansasti / Getty Images)
Indonesia tăng giá nhiên liệu vì muốn kiểm soát chi phí trợ cấp đang tăng cao. Nhưng dù tăng giá, số ngân sách bổ sung nước này chi cho trợ cấp năng lượng cũng sẽ tăng 137 nghìn tỷ rupiah (9,2 tỷ USD) lên 151 nghìn tỷ rupiah (10 tỷ USD), theo Bộ trưởng Tài chính Indonesia Mulyani Indrawati. Chưa rõ chính phủ Indonesia sẽ điều chỉnh các khoản ngân sách bổ sung như thế nào, trong khi ngân sách trợ cấp năng lượng năm của nước này đã rơi vào mức kỷ lục 500 nghìn tỷ rupiah, dự tính sẽ cạn vào tháng 10.
Theo ông Widodo, trong hoàn cảnh này sẽ khó duy trì việc tiếp tục trợ cấp. Hơn nữa, hơn 70% trợ cấp nhiên liệu mang lại lợi ích cho những cá nhân có thu nhập khá giả và có điều kiện sử dụng ô tô.
Ai chịu ảnh hưởng nhiều nhất?
Việc tăng giá nhiên liệu sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát lương thực và năng lượng tại Indonesia, cũng như ảnh hưởng đến kế hoạch đưa lạm phát xuống dưới 4% trong năm tới của nước này. Các nhà kinh tế đã dự báo rằng giá nhiên liệu cao hơn có thể đẩy lạm phát tại Indonesia lên 7% trong năm nay. Trong tình hình đó, ngân hàng trung ương Indonesia - tháng trước đã bất ngờ tăng chi phí đi vay lần đầu tiên kể từ năm 2018 – có thể phải tăng lãi suất nhiều hơn. Điều này làm chậm tăng trưởng kinh tế.
Tình hình sẽ khiến các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình tại Indonesia phải siết chặt chi tiêu. Họ đã phải đối phó với lạm phát gia tăng mạnh nhất trong 7 năm qua. Các tổ chức công đoàn cho rằng lạm phát “ăn” sâu vào tiền lương trong khi Indonesia đã tăng mức lương tối thiểu trung bình thêm 1,09% trong năm nay. Để ngăn chặn hậu quả từ việc tăng giá nhiên liệu, Indonesia đang cung cấp gói viện trợ 24,17 nghìn tỷ rupiah với hơn 20 triệu gia đình nhận được tiền mặt hàng tháng.
Mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình ở Indonesia cao hơn 13% so với mức trung bình toàn cầu, do nước này có hơn 130 triệu phương tiện cơ giới - một lý do khiến quốc đảo luôn trong tình trạng tắc nghẽn. Indonesia là thị trường xe có động cơ lớn nhất Đông Nam Á, nơi mong muốn sở hữu ô tô vẫn ở mức cao. Bất kỳ đợt tăng giá nhiên liệu nào cũng sẽ bóp chặt ví tiền của các chủ sở hữu hiện tại và ngăn cản người mua mới. Phần lớn người Indonesia thất vọng với chính sách của chính phủ khi không khắc phục được tình trạng thiếu dầu ăn và các mặt hàng thiết yếu khác. Mặt khác, Indonesia là một trong những quốc gia có tỷ lệ nghèo cao nhất thế giới với 9,5% và các mặt hàng thực phẩm sẽ càng đắt đỏ hơn đối với người nghèo.
Các cuộc biểu tình lớn tại Indonesia thường nổ ra khi chính phủ tăng giá xăng và có thể trở nên bạo lực. Năm 1998, động thái tăng giá nhiên liệu của chính phủ lên tới 71% đã khiến người dân tức giận và cuối cùng dẫn đến việc cựu Tổng thống Suharto từ chức. Năm 2003, cựu tổng thống Megawati Sukarnoputri ngừng thúc đẩy việc tăng giá nhiên liệu sau hai tuần biểu tình dẫn đến đụng độ. Ông Widodo vào năm 2018 đã loại bỏ một đợt tăng giá xăng vài giờ sau khi công bố.