Buổi chiều cách đây vài hôm, có hẹn không xa chỗ làm nên sau khi tan sở, tôi chọn đi bộ, có ý coi đó là một dịp để thư giãn. Quãng đường hơn 3km đến điểm hẹn trong tiết trời se lạnh rất dễ chịu hóa ra lại khó đi hơn tôi tưởng, vì tôi không chỉ phải liên tục né các hàng quán chiếm dụng vỉa hè, mà còn phải tránh rác.
Cơ man nào là rác. Nếu không phải là vỏ hộp, vỏ trái cây, giấy lộn do người dân vứt thẳng trên vỉa hè thì cũng là những bịch rác, xô rác lộ thiên, những thùng bã mía ruồi nhặng bâu đầy, bốc mùi chua lòm.
Có nhiều đoạn vỉa hè, người biến nó thành “xứ sở của rác” không phải dân cư hay các hộ kinh doanh mà chính là các đơn vị môi trường đô thị. Những xe, thùng đựng rác thải của họ ngang nhiên chiếm gần hết vỉa hè, nơi mà bờ tường lẫn mặt đất đều đen kịt bẩn thỉu, có những vũng chất lỏng “khả nghi” khiến người đi bộ phải dứt khoát bước hẳn xuống lòng đường, nín thở, bịt mũi vội vã đi qua.
Cảnh này rất quen thuộc ở Hà Nội. (Ảnh: Người Lao Động)
Ở nhiều quán ăn vỉa hè, rác được vứt thẳng xuống nền đất thay vì cho vào giỏ. (Ảnh: Hà Nội Mới)
Có những đoạn đường trông thì không quá bẩn nhưng khai nồng mùi nước tiểu, hậu quả của thói “tè bậy” lẽ ra không thể tồn tại ở một đô thị đòi hỏi sự văn minh như Thủ đô.
“Hà Nội bẩn từ trong nhà ra ngoài ngõ”, câu bình luận này cực kỳ khó nghe, dễ gây mếch lòng nhưng khổ thay, đó lại là sự thật không chối cãi được. Không cần nói đâu xa, cứ lấy dẫn chứng ngay ở sự ăn – lĩnh vực đòi hỏi sự sạch sẽ, vệ sinh ở mức cao nhất. Ở các quán ăn, giấy lau, xương xẩu… vứt la liệt dưới chân ghế, thậm chí ngay đó có giỏ rác nhưng người ta vẫn quẳng ra sàn. Có quán, khách hỏi giỏ đựng rác đâu thì chủ bảo cứ vứt thẳng xuống đất, cuối buổi dọn sau. Và thế là mọi người ngồi ăn giữa đống rác đúng nghĩa, vẫn rôm rả bình phẩm, thể hiện sự sành điệu về văn hóa ẩm thực.
Hà Nội bẩn và nhếch nhác một phần cũng do sự ích kỷ của một bộ phận người dân. Không khó gặp cảnh tượng người dân sinh sống hoặc kinh doanh ở nhà mặt phố trút ào chậu nước rác xuống đường, mặc kệ nó chảy lênh láng làm phiền người, xe qua lại; hoặc đổ xuống đó nào xỉ than tổ ong, nào tro đốt vàng mã, vỏ trái cây… Cũng rất dễ gặp cảnh dắt chó cưng ra vỉa hè hoặc chân tưởng nhà hàng xóm để “giải quyết nhu cầu”. Tóm lại, họ chỉ cần nhà mình sạch là được, nơi công cộng có bẩn thì mọi người đều phải chịu.
Hà Nội từ thời xưa luôn là chốn văn hiến, và trong thời hiện đại thì luôn gắn với ba chữ “xanh, sạch, đẹp”. Nhưng có vẻ ba chữ này là mục tiêu hướng đến chứ không phải tính từ mô tả đặc điểm của Hà Nội bây giờ. Hà Nội chỉ thực sự trở thành đô thị xanh, sạch, đẹp khi mỗi người dân đều có nhu cầu sạch ở bất cứ không gian nào chứ không chỉ ở trong nhà mình, và coi việc giữ sạch cho không gian công cộng là trách nhiệm của chính mình.
Chừng nào mọi người vẫn còn điềm nhiên ngồi ăn uống giữa sàn nhà la liệt rác, chừng nào cơ quan vệ sinh môi trường còn thấy việc để xe rác bốc mùi chình ình trên phố là bình thường thì chừng đó, môi trường sống trong lành, sạch sẽ lý tưởng vẫn chỉ là viễn cảnh xa vời.
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.