"Trước đây, người hâm mộ phải đến xem EURO, còn bây giờ EURO sẽ tiến đến với người hâm mộ", Michel Platini phát biểu cách đây 9 năm, khi còn là Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA). Ông gọi EURO 2020 là giải đấu lữ hành.
Phiên bản kỷ niệm 60 năm của giải vô địch châu Âu được tổ chức ở 11 thành phố thuộc 11 quốc gia. Kể cả Romania và Azerbaijan, những nước chẳng có đội tuyển tham giai giải đấu, cũng hiện diện với tư cách chủ nhà.
Khán đài đầy ắp khán giả sẽ không xuất hiện ở EURO 2020.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đánh thẳng vào tính chất "lữ hành" của EURO 2020. Kẻ thù của EURO cũng như mọi sự kiện quốc tế, không riêng lĩnh vực thể thao, là khái niệm hạn chế di chuyển, thứ đã quen thuộc trong cuộc sống toàn cầu trong thời kỳ dịch bệnh chưa từng có.
Nỗ lực phòng chống dịch của các nước đăng cai vớt vát lại chút không khí cho kỳ EURO đặc biệt nhất từ trước tới nay. Toàn bộ 11 sân vận động tổ chức thi đấu đều mở cửa đón khán giả và những địa điểm không đáp ứng được điều này đều bị UEFA gạt khỏi danh sách.
Dẫu vậy, sân Puskas ở Budapest, Hungary với sức chứa khoảng 67.000 người là nơi duy nhất được phép chứa đầy cổ động viên trên các khán đài.
"Đến đúng giờ, đừng vội vã. Đeo khẩu trang. Giữ khoảng cách với người khác bất cứ khi nào có thể, và đặt an toàn lên trên hết", Martin Kallen, Giám đốc điều hành cơ quan tổ chức sự kiện của UEFA đưa ra lời khuyên cho các CĐV đến xem EURO 2020.
Người hâm mộ phải thực hiện những biện pháp phòng dịch cá nhân, điều đã trở thành thói quen, như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 1,5 mét, hạn chế tiếp xúc với người khác. Ngoài ra, đa số các sân vận động đòi hỏi CĐV phải trình kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính, được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi vào sân.
Ở Hungary, CĐV bản địa muốn có mặt trên khán đài phải được cấp chứng nhận miễn dịch. Chỉ có Glasgow (Scotland) không yêu cầu gì đặc biệt, nhưng điều này đang gây ra làn sóng phản đối ở địa phương vì lo ngại dịch COVID-19 bùng phát từ các nhóm cổ động viên.
Nhưng đó chưa phải phần rắc rối nhất của việc đi xem EURO 2020.
Tổ chức EURO ở 11 quốc gia giúp giải đấu tiếp cận được nhiều người hâm mộ hơn. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, đối với từng cá nhân cổ động viên, việc được theo dõi nhiều trận đấu đòi hỏi rất nhiều điều kiện cũng như sự may mắn và cả tiền bạc.
Ví dụ, đối với các cổ động viên Thụy Sĩ, việc theo chân đội nhà ở EURO 2020 là một hành trình vất vả và càng thêm trắc trở trong bối cảnh COVID-19. Từ Baku (Azerbaijan), nơi Thụy Sĩ gặp Xứ Wales ở trận đầu tiên, họ phải bay sang Rome để xem trận tiếp theo rồi ngược trở lại địa điểm ban đầu.
Đó là một chặng đường dài hàng nghìn cây số, trong khi việc di chuyển của cổ động viên không được ưu tiên và đảm bảo an toàn như các đội bóng.
Hiệp hội bóng đá Xứ Wales thậm chí còn kêu gọi các CĐV không đi theo cổ vũ đội nhà. Một khi đã lựa chọn phớt lờ lời khuyên ấy có nghĩa là họ không thể quay lại giữa chừng, vì sẽ mất 10 ngày cách ly khi về nước.
Sân Puskas (Hungary) là nơi duy nhất được sử dụng 100% sức chứa đón khán giả.
CĐV Anh, Hà Lan và một số nước khác cũng trong tình cảnh tương tự. Khi đã chọn một hành trình dài ngày với nhiều lần di chuyển như vậy, chi phí đi lại, ăn ở trở thành rào cản lớn. UEFA hồi cuối tháng 5 đã thực hiện hủy hàng nghìn vé EURO 2020 đã bán từ năm 2019.
"Thật phiền phức khi giải đấu được tổ chức ở nhiều quốc gia thay vì một địa điểm, nơi chúng tôi có thể đến du lịch và thăm thú. Sự thích thú đối với EURO cũng nằm ở việc được ra nước ngoài. Đó là điều mà các cổ động viên đích thực sẽ làm", Lars, một CĐV đội tuyển Đức, chia sẻ trên DW.