Ngày 14/11, thông tin với VTC News, ông Nguyễn Công Vân, Giám đốc Vườn quốc gia Phước Bình cho biết, sau khi tiếp nhận đàn bò tót lai từ Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ Lâm Đồng, vườn đã thực hiện ngay việc chuyển chế độ ăn tốt nhất cho đàn bò này, gồm cỏ tươi, bắp sinh khối và thức ăn tinh. "Sức khỏe của đàn bò đang dần hồi phục tốt", ông Vân thông tin.
Đàn bò lai F1 được chăm sóc tốt đã phục hồi rất nhanh.
Theo ông Vân, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tạm ứng kinh phí 100 triệu đồng để mua thức ăn, thuê người chăm sóc, đặc biệt chú trọng phục hồi những con bị suy kiệt. Việc đầu tiên là điều trị các vết thương, trị ký sinh trùng và bệnh đường ruột, bổ sung khoáng chất, nâng cao thể trạng. Vườn cũng cử cán bộ thường xuyên theo dõi diễn biến sức khỏe của đàn bò này.
Thân hình của chúng đã béo tốt lên rất nhiều so với cách đây 1 tháng.
Giám đốc Vườn quốc gia Phước Bình cho hay, đây chỉ là những công việc bước đầu. Về lâu dài, để đảm bảo cho chúng có sức khỏe tốt nhất và gần gũi với tự nhiên, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có đề án chăm sóc bảo tồn đàn bò trong 5 năm với kinh phí dự kiến khoảng 2,5 tỉ đồng,
"Vườn đang lập đề án không gian mới, đàn bò khi được di dời về sẽ gần gũi với thiên nhiên, được chăm sóc đầy đủ một cách khoa học, nhằm bảo tồn nguồn gen quý hiếm này", ông Vân nói.
UBND tỉnh Ninh Thuận đã có đề án chăm sóc bảo tồn đàn bò trong 5 năm với kinh phí dự kiến khoảng 2,5 tỉ đồng.
Như VTC News đưa tin, cách đây 12 năm, tại xã vùng cao Phước Bình, tỉnh Ninh Thuận xuất hiện 1 con bò tót rừng to lớn, nặng gần 1 tấn. Con bò đực này rất hung dữ, thường xuyên từ rừng xuống rẫy của người dân để quấy phá.
Vì cô độc, con bò tót thường lân la đến những con bò cái của người dân thả chăn nuôi gần bìa rừng quốc gia Phước Bình. Thân hình to lớn cùng với sức mạnh của mình, nó đánh bật những con bò đực khác để giành quyền giao phối.
Kết quả của những lần "gặp gỡ" này đã cho ra đời 20 con bò tót lai F1 với vóc dáng và đặc tính hoang dã giống hệt bò rừng.
Từ năm 2012 đến 2015, sau khi phát hiện, Vườn quốc gia Phước Bình phối hợp với Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ Lâm Đồng đã mua lại 10 con bò tót lai từ người dân và thực hiện Đề tài nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng sinh sản của bò lai F1 giữa bò tót và bò nhà tại vùng giáp ranh Ninh Thuận và Lâm Đồng với đánh giá khả quan về triển vọng phát triển nguồn gen quý.
Hình ảnh đàn bò bị suy kiệt vì bị bỏ đói, thiếu sự chăm sóc trước đây.
Những con bò tót rừng lai F1 trước đây được chăm sóc rất tốt, chúng đều béo tốt.
Thời điểm năm 2013, 2014, mỗi con bò tót lai được mua khoảng 50 triệu đồng, do ngân sách hai tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng chi trả.
Tới cuối năm 2015, Đề tài cấp nhà nước với tên gọi "Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa" với kinh phí gần 5 tỷ đồng được triển khai. Đề tài này do PGS TS Lê Xuân Thám, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng làm chủ nhiệm.
Đến tháng 6/2019, đề tài kết thúc. Kể từ đó đến nay, những con bò tót lai bị bỏ rơi, thiếu thức ăn nên cơ thể suy kiệt, gầy trơ xương.