Hiện tại bà Phương đang là một bên trong vụ “Tranh chấp đòi tài sản là quyền sử dụng đất” với UBND Thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.
Trong đơn kêu cứu, bà Phương cho biết, cách đây 22 năm, bà cùng nhiều hộ dân khác đã ký hợp đồng kinh tế trồng cao su với Nông trường cao su Bời Lời (nông trường) ở huyện Trảng Bàng (nay là thị xã Trảng Bàng) với thời gian đến hết năm 2043.
Người dân trồng cao su lo mất trắng khi bị chính quyền thu hồi đất.
Tuy nhiên, đầu năm 2010, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trảng Bàng đã yêu cầu các hộ dân ký lại Hợp đồng thuê đất với UBND huyện Trảng Bàng chỉ với thời hạn 25 năm (1992-2017) và nay là thu hồi đất. Đầu tháng 12/2020 đến nay, UBND thị xã Trảng Bàng đã gửi các thông báo về việc thu hồi gần 55ha đất trồng cây cao su, thanh lý tài sản… đối với hộ của bà Phương.
Vụ việc chưa được cùng nhau thỏa thuận thì mới đây, bà Phương nhận thông báo của TAND thị xã Trảng Bàng, trong đó nêu, tòa đã thụ lý đơn khởi kiện của UBND thị xã Trảng Bàng về việc yêu cầu giải quyết “Tranh chấp đòi tài sản là quyền sử dụng đất” đối với bà Phương.
“Từ người khiếu nại tôi bất ngờ trở thành bị đơn, người khởi kiện lại là UBND thị xã Trảng Bàng. Điều này khiến tôi vô cùng bức xúc. Do đó, tôi có đơn yêu cầu hủy các thông báo của UBND thị xã Trảng Bàng, yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh thụ lý giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật”, bà Phương cho biết.
Trao đổi với PV về vấn đề này, LS Trần Duy Cảnh - Giám đốc điều hành Cty luật TNHH Luật Việt (TP.HCM), cho rằng quyết định thu hồi đất nông trường của UBND tỉnh Tây Ninh có một số điểm không có căn cứ pháp luật cơ bản. Cụ thể là nhầm lẫn về đối tượng bị thu hồi. Bởi, trong quyết định ghi rõ nội dung “đối tượng bị thu hồi đất là Nông trường Cao su Bời Lời”, không phải là bà Phương.
Trong khi đó, bà Phương là người được trực tiếp khai thác theo Hợp đồng giao khoán với nông trường và bị ảnh hưởng trực tiếp khi đất bị thu hồi. Cần phải khẳng định rõ, nông trường thực hiện giao khoán khai thác đất cho bà Phương là đúng theo quy định pháp luật của Chính phủ tại thời điểm đó. Bên cạnh đó, tuyên bố giao dịch vô hiệu là thẩm quyền của tòa án chứ không phải của UBND tỉnh Tây Ninh.
Tính đến hiện tại, chưa có bản án nào của tòa án xác định các hợp đồng giữa nông trường và bà Phương là vô hiệu nên chúng vẫn có giá trị pháp lý.
LS Cảnh còn cho rằng, không thấy căn cứ vào quy định pháp luật nào để Tòa án nhân dân thị xã Trảng Bàng có thẩm quyền giải quyết “Tranh chấp đòi tài sản là quyền sử dụng đất” giữa một bên là cơ quan Nhà nước quản lý về đất đai với người sử dụng đất.
Theo quy định của pháp luật đất đai, những cơ quan này có thẩm quyền để cưỡng chế thu hồi đất sau khi đã có quyết định thu hồi đất và phải thực hiện các hoạt động như bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... UBND Thị xã Trảng Bàng với tư cách là người quản lý, không phải chủ sở hữu nên không thể tham gia với tư cách là chủ sở hữu để khởi kiện đòi tài sản là quyền sử dụng đất được.
Bên cạnh đó, UBND Thị xã Trảng Bàng khởi kiện, yêu cầu tuyên bố các hợp đồng giữa nông trường và bà Phương vô hiệu cũng không đúng.