Đàm phán để tốt cho cả hai
Các chuyên gia đối ngoại nhận thấy những cuộc đàm phán Mỹ - Trung có thể mang tới cơ hội cho mối quan hệ thương mại song phương, vốn được mô tả là phức tạp nhưng rất quan trọng.
“Miễn là cả hai bên sẵn sàng hành xử tích cực và tập trung vào các giải pháp thay vì đổ lỗi”, Jack Midgley, giám đốc công ty tư vấn toàn cầu Midgley & Co, cho hay.
Những cuộc đàm phán Mỹ - Trung có thể mang tới cơ hội cho mối quan hệ thương mại song phương. (Ảnh minh họa)
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo là quan chức cấp cao mới nhất của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tới thăm Trung Quốc. Chuyến đi của bà diễn ra trong bối cảnh lo ngại căng thẳng ngày càng gia tăng giữa hai cường quốc toàn cầu có thể leo thang không kiểm soát.
Trong chuyến đi tới Bắc Kinh và Thượng Hải, từ ngày 27/8 – 30/8, bà Raimondo đã gặp một số quan chức cấp cao của Trung Quốc. Hai bên đã đạt được sự đồng thuận quan trọng về việc tăng cường liên lạc và trao đổi quan điểm cũng như yêu cầu về nhiều vấn đề khác nhau.
Theo đó, hai bên đồng ý tổ chức các cuộc gặp thường niên giữa các lãnh đạo thương mại Mỹ - Trung, thiết lập cơ chế trao đổi thông tin thực thi kiểm soát xuất khẩu, thành lập nhóm công tác về các vấn đề thương mại và đối thoại cấp cao giữa ngành du lịch của hai nước.
Midgley cho rằng cả Mỹ và Trung Quốc “rõ ràng quan tâm đến một kết quả tốt đẹp” cho chuyến đi. “Đó là vấn đề có lợi ích kinh tế lớn. Câu hỏi đặt ra là liệu hai bên có tiếp tục thực hiện công việc khó khăn hàng ngày là đàm phán các hiệp định thương mại và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của cả hai nước hay không?”, ông nói.
Vị chuyên gia cho biết, kiểm soát xuất khẩu luôn là “chướng ngại vật” trong quan hệ song phương, vì vậy cơ chế thông tin kiểm soát xuất khẩu “sẽ cung cấp cho cả hai bên những thông tin cần thiết để giảm bớt kiểm soát xuất khẩu từng bước, từng giao dịch”, và đây sẽ là “điều tốt cho cả hai bên”.
Midgley nhấn mạnh vì Mỹ và Trung Quốc chiếm hơn 40% tổng GDP toàn cầu và mối quan hệ này là mối quan hệ kinh tế song phương quan trọng nhất trên thế giới, do đó “việc loại bỏ những trở ngại đối với mối quan hệ là một bước rất quan trọng đối với thế giới nói chung và cả hai quốc gia nói riêng".
Tại cuộc họp báo hôm 30/8 ở Thượng Hải, Bộ trưởng Mỹ Raimondo cho biết bà đã có các cuộc thảo luận hiệu quả và "một sự khởi đầu tuyệt vời" tại Trung Quốc. Bà nói thêm rằng không kỳ vọng rằng mọi vấn đề giữa hai nước có thể được giải quyết “chỉ sau một đêm" nhưng hy vọng sẽ chứng kiến một số kết quả trong vài tháng tới, đồng thời sẽ tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp, thường xuyên với các quan chức Trung Quốc.
Phái đoàn Trung Quốc do Bộ trưởng Thương mại Vương Văn Đào (trái) tiếp phái đoàn Mỹ do Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo dẫn đầu, tại Bắc Kinh ngày 28/8. (Ảnh: AP)
Nhiều thách thức khác
Theo chuyên gia Midgley, vẫn còn nhiều “thách thức” cho mối quan hệ Mỹ - Trung, điển hình là vấn đề xoay quanh công nghệ lưỡng dụng như phần mềm máy tính, bộ vi xử lý, thiết bị liên lạc tiên tiến, robot...
Midgley nói: "Trung Quốc cần phải phát triển những công nghệ này, trong khi Mỹ muốn duy trì lợi thế. Vì vậy, đây là lúc mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung trở nên phức tạp và cần phải được quản lý từng phần một. Những công nghệ lưỡng dụng này là thách thức chính trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung hiện nay".
Sourabh Gupta, một thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Mỹ - Trung có trụ sở tại Washington, nhận định khả năng đàm phán về cơ chế kiểm soát công nghệ lưỡng dụng của Mỹ “là rất hẹp”.
“Về cơ bản, ‘không gian đàm phán’ theo quan điểm của Mỹ chủ yếu là để cải thiện khả năng tiếp cận thị trường và môi trường kinh doanh cho các công ty Mỹ đang hoặc đang tìm cách kinh doanh tại Trung Quốc”, Gupta cho hay.
Ông nói thêm rằng lĩnh vực “dễ chấp nhận nhất” trong cuộc đối thoại song phương là về cải thiện môi trường kinh doanh liên quan đến các công ty nước ngoài ở đất nước tỷ dân, bởi cả Mỹ và Trung Quốc đều có mong muốn chung trên “mặt trận” này.
Chính phủ Trung Quốc muốn tăng cường đầu tư tư nhân, bao gồm cả các doanh nghiệp nước ngoài. Gần đây, họ đã đưa ra quan điểm này và được cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đón nhận nồng nhiệt. Trong khi đó, Mỹ tất nhiên muốn các doanh nghiệp của mình thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc và tăng lợi nhuận.
“Đây là một trong số ít lĩnh vực mà hai bên có thể đưa ra những đảm bảo cùng có lợi cho nhau”, Gupta nói.
Về việc Mỹ có thể rút ngắn danh sách đen các công ty Trung Quốc bị hạn chế xuất khẩu hoặc đầu tư sau cuộc gặp của các quan chức cấp cao, hai chuyên gia trên đều cảm thấy “không mấy lạc quan”.
“Tốt nhất, chỉ có thể hy vọng rằng một số ít sẽ được đưa ra khỏi danh sách và điều đó xảy ra chỉ khi có liên quan đến lợi ích cốt lõi của Mỹ. Ví dụ, chính quyền Tổng thống Biden đang xem xét xóa bỏ một thực thể nhà nước Trung Quốc (không phải thực thể thương mại Trung Quốc) khỏi danh sách đen như một phần của thỏa thuận song phương về vấn đề ngăn chặn dòng chảy chất gây nghiện fentanyl”, Gupta nói.
Midgley cho biết: “Mục tiêu của Mỹ không phải là rút ngắn danh sách. Việc ưu tiên đầu tư trong nước là vì lợi ích của Mỹ, đặc biệt là xung quanh các lĩnh vực của các thực thể trong danh sách đen… Tôi không nghĩ điều đó sẽ thay đổi cho đến khi hai bên có thể nghĩ ra cách đối phó với các công nghệ như trí tuệ nhân tạo”.