Cải thiện Thủ tục hành chính (TTHC), dịch vụ công
Ông Hoàng Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, theo kết quả đánh giá chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) năm 2020 của các sở, ngành, địa phương, có nhiều tiêu chí đã bị mất điểm, như xây dựng, tổ chức thực hiện văn bản quản lý pháp luật; tham mưu UBND tỉnh công bố TTHC và đưa hồ sơ TTHC xử lý trực tuyến lên mức độ 3, mức độ 4.
Do đó, với nhiệm kỳ 2021 – 2025, Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND tỉnh cải thiện những tiêu chí này, đồng thời tập trung xây dựng những cơ chế đòn bẩy giúp thực thi hiệu quả hơn công tác CCHC.
Từ đầu năm 2021, tỉnh đã tập trung chỉ đạo giải quyết các TTHC về lĩnh vực đất đai, bởi đây là lĩnh vực giao dịch nhạy cảm và gia tăng hàng năm.
Cài đặt phần mềm Bảo hiểm xã hội số VSSID cho người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh.
Điển hình, theo lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường, ngành đã liên thông tích hợp hệ thống thông tin đất đai (ViLIS) và hệ thống dịch vụ công trực tuyến, đáp ứng việc tiếp nhận, luân chuyển, xử lý, trả kết quả TTHC theo đúng cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Cụ thể với TTHC về lĩnh vực đất đai, ban đầu theo quy định, việc công dân lập hồ sơ phải bắt buộc nộp bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dịch vụ công vì vậy sẽ ở mức độ 2.
Nhưng kể từ ngày 01/6/2021, Sở chính thức tiếp nhận và trả kết quả TTHC về đất đai trên phần mềm dịch vụ công trực tuyến (iGate) http://dichvucong.daklak.gov.vn. Từ ngày 15/7/2021, Đắk Lắk tiếp tục áp dụng thanh toán nghĩa vụ tài chính trong TTHC về đất đai hộ gia đình và cá nhân tại Cổng dịch vụ công Quốc gia https://dichvucong.gov.vn.
Những thay đổi này đã đem lại tiện ích thuận lợi rất nhiều cho người dân và các tổ chức dân sự tại Đắk Lắk khi thực hiện các TTHC liên quan đến đất đai, được cộng đồng xã hội tích cực ghi nhận.
Ông Trần Xuân Tiệp, Trưởng Phòng CNTT Sở Thông tin và Truyền thông Đắk Lắk cho biết, với vai trò tham mưu ứng dụng công nghệ trong CCHC, Sở đã đề xuất các TTHC đủ điều kiện được cung cấp mức độ 4 là phải phát sinh hồ sơ trong vòng 3 năm gần nhất, để không gây lãng phí nguồn lực. Nhờ đó, các TTHC có thanh toán phí, lệ phí tại địa phương Đắk Lắk khi thực hiện trên môi trường trực tuyến và qua mạng sẽ được cung cấp dịch vụ công ở mức độ 4.
Kỹ sư CNTT đánh giá dịch vụ của Trung tâm IOC trước khi đưa vào vận hành chính thức.
Để đảm bảo hệ thống cổng dịch vụ công đáp ứng được các yêu cầu nâng mức như vậy, Sở Thông tin và Truyền thông đã không ngừng chuẩn hóa, đồng bộ quy trình nội bộ và quy trình điện tử; điều chỉnh TTHC.
Sở duy trì cập nhật thông tin TTHC đồng bộ công tác cung cấp dịch vụ công trực tuyến; chuẩn hóa các biểu mẫu, e-form trong từng bước dịch vụ. Dự kiến trong quý 4/2021, Sở sẽ chuẩn hóa mã TTHC trên Cổng dịch vụ công đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đổi mới đánh giá cải cách hành chính
Đầu nhiệm kỳ năm 2021, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh ban hành Quyết định 2424/QĐ-UBND về kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Theo đó, UBND tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, Chỉ số CCHC (PAR Index) phải trong nhóm 20 tỉnh dẫn đầu. Các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phải áp dụng trên 50% tổng số hồ sơ giao dịch; 80% TTHC qua dịch vụ công trực tuyến phải ở mức độ 3,4; 50% TTHC được tiếp nhận và trả kết quả phải qua dịch vụ bưu chính công ích.
Chủ tịch Phạm Ngọc Nghị thăm Khu Công nghiệp Hòa Phú.
UBND tỉnh đã yêu cầu các sở ngành tham mưu giải pháp nâng cao chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số CCHC (PAR INDEX), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, TTHC với doanh nghiệp. Các sở ngành, địa phương phải đẩy mạnh cung cấp TTHC mức độ 3, 4; đơn giản hóa, công khai, minh bạch TTHC, sửa đổi những thủ tục còn gây cản trở cho người dân, doanh nghiệp.
UBND tỉnh còn ban hành Quyết định 2450 về bộ Chỉ số đánh giá, xếp hạng công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn. Trong đó, nội dung, tiêu chí đánh giá kết quả CCHC cấp sở, huyện sẽ bao gồm các kết quả thực hiện CCHC; tác động qua điều tra xã hội học; nội dung, tiêu chí, thang điểm chuẩn cụ thể khi đánh giá, xếp hạng...
Tổng cộng có 8 lĩnh vực sẽ được đánh giá theo bộ Chỉ số này, gồm công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; cải cách thể chế; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; và tác động CCHC.
Cải cách hành chính tạo động lực mạnh mẽ cho dự án trọng điểm triển khai đầu tư trên địa bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cho rằng, để công tác CCHC tích cực hơn, lãnh đạo các sở ngành, cơ sở cần tập trung nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, chỉ đạo nghiêm túc việc cải thiện các chỉ số PAPI, PAR INDEX, SIPAS, bộ chỉ số chuyển đổi số áp dụng cho đơn vị.
Để tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong thực thi, UBND tỉnh đang tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị đẩy mạnh CCHC giai đoạn 2020 – 2025 định hướng đến năm 2030 phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra.
Như vậy, ở nhiệm kỳ 2020 – 2025, CCHC được yêu cầu cải thiện cả về “chất” và “lượng”, đổi mới theo xu hướng 4.0 cũng đồng nghĩa với “làm việc cũ bằng phương thức mới”. Người dân sẽ tương tác với chính quyền, đánh giá mức độ hài lòng qua ứng dụng công nghệ số. Đây sẽ là tiền đề để Đắk Lắk cải tiến đồng đều trên từng chỉ số và thứ hạng CCHC đạt mục tiêu đề ra.